Phát huy vai trò đông y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ tư - 07/08/2024 09:51
Hội Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam tỉnh, nay là Hội Đông y tỉnh được thành lập năm 1988, có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết lực lượng đang hoạt động lĩnh vực y học cổ truyền dân tộc trên địa bàn tỉnh vào tổ chức hội để trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Bệnh nhân điều trị vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang.
Bệnh nhân điều trị vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang.
 
Đến nay, mạng lưới tổ chức hội đông y trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp, cùng với y học hiện đại thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân. Toàn tỉnh có 11/15 huyện, thành phố có tổ chức hội đông y và 3 chi hội trực thuộc Hội Đông y tỉnh với 780 hội viên, tăng 272 hội viên so năm 2008.
Thạc sĩ, dược sĩ Đỗ Thiện Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: “Hội Đông y tỉnh phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh dự án phát triển mạng lưới y học cổ truyền của tỉnh; phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy chế làm việc, hướng dẫn thành lập các phòng chẩn trị từ thiện. Từ đó, mạng lưới y học cổ truyền của tỉnh được tăng cường đầu tư xây dựng, củng cố và phát triển, mở rộng cả công lập và ngoài công lập, đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB cho người dân trên địa bàn tỉnh”.
Hệ thống KCB bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, từng bước được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để áp dụng vào điều trị và phục hồi chức năng tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Nhờ vậy, công tác KCB y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại được triển khai đồng bộ tại các cơ sở KCB thuộc hệ thống công lập. Hàng năm, công tác KCBbằng y học cổ truyền đạt và vượt chỉ tiêu Sở Y tế giao. Giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh có trên 2,6 triệu lượt bệnh nhân khám bệnh và điều trị nội trú, ngoại trú bằng y học cổ truyền. Riêng Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh với công suất 350 giường bệnh, là tuyến chuyên môn cao nhất về y học cổ truyền trong tỉnh theo hướng kết hợp đông y và tây y trong KCB và trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa II Hồng Văn Thao, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh, cho biết: “Để nâng cao chất lượng điều trị, bệnh viện cải tiến quy trình và ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong KCB; bố trí thêm nhân lực cho khối lâm sàng để giảm tải và giảm thời gian chờ của người bệnh. Bệnh viện chú trọng phát triển phương pháp điều trị y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại và thừa kế kinh nghiệm chữa bệnh của thầy thuốc giỏi. Đồng thời, đầu tư nhiều trang thiết bị y tế về phục hồi chức năng - vật lý trị liệu; hệ thống máy xét nghiệm; hệ thống máy điều trị bằng oxy cao áp, điện trường cao áp… từng bước hiện đại hóa lĩnh vực y dược cổ truyền”.
Hệ thống KCB bằng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế ngoài công lập và các phòng khám đa khoa nhân đạo, phòng thuốc nam từ thiện, các tổ chức thuốc nam châm cứu từ thiện... phát triển, phân bố hầu hết ở các địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu khám, điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 220 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 48 phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền, 38 cơ sở kinh doanh thuốc y học cổ truyền và 1 cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền.
Mi Ni
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây