Phòng bệnh thường gặp mùa hè

Thứ ba - 09/07/2024 08:56
Mùa hè là thời điểm thời tiết hanh khô, kèm theo mưa tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Trẻ em điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.
Trẻ em điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 155 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 95 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus sởi, 4 trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, 1 trường hợp bệnh dại. Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 335 ca, trong đó tử vong 1 ca, bệnh tay chân miệng ghi nhận 265 ca mắc. Ngoài ra, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa. Các bệnh về da liễu như nổi mẩn đỏ, ngứa, phát ban, ngứa do ghẻ; các bệnh viêm phổi, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sốt siêu vi, cảm cúm đều tăng.
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân một số bệnh tăng vào mùa hè là thời tiết diễn biến thất thường, những đợt nắng nóng xen lẫn những cơn mưa làm nhiệt độ giảm đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp, giảm sức đề kháng dễ gây bệnh, nhất là người cao tuổi và trẻ em. Ngoài ra, nắng nóng nhiều khói bụi và người dân có nhu cầu uống nước đá để giải khát sẽ dẫn đến viêm họng; thức ăn dễ bị ôi thiu dẫn đến tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng dễ phát bệnh do nắng nóng làm cho cơ thể thiếu nước gây mệt mỏi, có thể gây sốc nhiệt, say nắng...
Để phòng tránh các bệnh mùa hè, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng khuyến cáo người dân nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là thường xuyên rửa tay với xà bông để loại trừ mầm bệnh; hạn chế ra ngoài trời và khi cần ra ngoài thì phải mặc quần áo che kín da và đội nón rộng vành che phủ kín vùng cổ gáy phòng say nắng; ăn đủ chất chú ý thêm các loại rau, củ, quả, không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, thịt các loại nấu tái, trứng sống, gỏi cá; không ăn uống ở những hàng quán không có đủ nước sạch và không hợp vệ sinh. Người lớn uống ít nhất 2 lít nước/ngày, trẻ em cho uống thêm nước cam vắt hoặc nước chanh, hạn chế sử dụng các loại nước có ga.
Đối với nhà ở cần vệ sinh gọn gàng, sạch sẽ, thông thoáng để giảm độ nóng và thanh thải mầm bệnh trong không khí; không để thức ăn, rác, nước thải vương vã thu hút ruồi, côn trùng vào nhà. Mọi người cần xây dựng chế độ làm việc, sinh hoạt, luyện tập thể dục, thể thao và nghỉ ngơi hợp lý. Khi bị bệnh hoặc nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời, không để bệnh lây sang người thân và cộng đồng.
Vĩ An
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây