Phát hiện, can thiệp sớm hạn chế biến chứng của tự kỷ

Thứ bảy - 06/04/2024 20:20
Từ năm 2008, Liên hợp quốc chọn ngày 2/4 hàng năm là ngày thế giới nhận thức về tự kỷ, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng tự kỷ; sớm phát hiện, can thiệp để cải thiện sức khỏe, khả năng hòa nhập cộng đồng của những người mắc hội chứng này, để họ có cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa hơn.
Chị Trương Hồng Nhi, cử nhân Cao đẳng Tật học, chủ nhóm trẻ Mầm Xanh, hướng dẫn các trẻ nhận diện các hình ảnh tạo môi trường học tập thoải mái, thân thiện.
Chị Trương Hồng Nhi, cử nhân Cao đẳng Tật học, chủ nhóm trẻ Mầm Xanh, hướng dẫn các trẻ nhận diện các hình ảnh tạo môi trường học tập thoải mái, thân thiện.
 
Theo số liệu thống kê về chứng tự kỷ do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa ra vào tháng 3/2020, khoảng 1 trong số 54 trẻ em Mỹ có chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ; hiệntỷ lệ mắc tự kỷ tăng hơn 10 lần trong 40 năm qua. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em trai mắc chứng tự kỷ phổ biến hơn 4 lần so với trẻ em gái. Ước tính có 1 trong số 34 trẻ em trai và 1 trong số 144 trẻ em gái được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ ở Mỹ. Tự kỷ ảnh hưởng đến hơn 3 triệu người ở Mỹvà hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Hơn nữa, số liệu thống kê của chính phủ Mỹ cho thấynhững năm gần đây tỷ lệ mắc tự kỷ phổ biến tăng 10-17%/năm và vẫn chưa biết hết các lý do của sự gia tăng tỷ lệ mắc chứng tự kỷ này.
Bác sĩ Đinh Thành Bảo, Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: “Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển phức tạp, là nguyên nhân của những khó khăn về giao tiếp, xã hội và hành vi. Tác động của rối loạn phổ tự kỷ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng là khác nhau ở mỗi trẻ. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ có cơ hội hòa nhập cộng đồng”. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân đến khám, điều trị chứng tự kỷ; độ tuổi từ 6-12 tuổi, thông thường do giáo viên phát hiện phối hợp với phụ huynh gửi trẻ đến khám.
Theo bác sĩ Đinh Thành Bảo, triệu chứng lâm sàng đặc trưng của rối loạn phổ tự kỷ bao gồm 3 vấn đề cơ bản: Thiếu hụt kỹ năng tương tác xã hội, bệnh nhân thờ ơ, giảm giao tiếp, ít đáp ứng tên; giảm chú ý; thích chơi một mình không chơi với trẻ cùng lứa. Biểu hiện thứ hai là rối loạn ngôn ngữ và giao tiếp: Cách nói bất thường như phát âm vô nghĩa, nói một mình, chậm nói; ngôn ngữ thụ động như chỉ nói khi đòi ăn, đòi đi chơi; không chơi các trò chơi mang tính xã hội phù hợp lứa tuổi. Biểu hiện thứ ba là hành vi bất thường: Chống đối lại sự thay đổi của môi trường xung quanh; gắn bó một cách bất thường với một số đồ vật; tăng động, chạy liên tục, nghịch phá, không sợ nguy hiểm, tự gây thương tích cho mình. Đến nay, nguyên nhân gây nên chứng tự kỷ vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhiều yếu tố được cho là góp phần gây ra rối loạn tự kỷ như di truyền, yếu tố môi trường, bệnh lý thần kinh, gia đình lạnh lùng, xa cách, ít quan tâm đến trẻ...
Qua sự giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm đến nhóm trẻ Mầm Xanh, địa chỉ số 442 đường Phạm Hùng, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá do chị Trương Hồng Nhi, cử nhân Cao đẳng Tật học thành lập năm 2016. “Mục đích thành lập nhóm là nhận và chăm sóc trẻ mắc các khuyết tật như chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, tăng động, chậm phát triển, mắc chứng tự kỷ… Đối với trẻ mắc chứng tự kỷ, nhóm chăm sóc, giúp trẻ tự chăm sóc bản thân, giáo dục ngôn ngữ, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng”, chị Nhi nói.
Từ năm 2016 đến nay, nhóm trẻ Mầm Xanh nhận chăm sóc gần 80 trẻ em từ 25 tháng tuổi đến 16 tuổi, trong đó giúp gần 20 trẻ chậm nói, rối loạn ngôn ngữ phát triển bình thường, đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng, có em đang là học sinh lớp 6. Đối với các trẻ tự kỷ, có trường hợp được can thiệp sớm, giúp trẻ phát triển bình thường, đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng; trường hợp can thiệp muộn, giúp trẻ biết nói, viết, đọc chữ, tự chăm sóc bản thân, giảm nhẹ các biến chứng của tự kỷ.
Để phòng ngừa rối loạn phổ tự kỷ, bác sĩ Đinh Thành Bảo khuyến cáo phụ nữ trong thai kỳ, đặc biệt 3 tháng đầu phải được tiêm vắc xin đầy đủ tránh mắc bệnh cúm, sởi, rubella... không được lạm dụng thuốc; cần có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý, giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái, tránh căng thẳng, stress. Đối với trẻ, các phụ huynh cần có chế độ chăm sóc tốt, yêu thương, quan tâm để phát hiện và can thiệp sớm giúp hạn chế tối đa hậu quả, biến chứng của tự kỷ. Khi bệnh nhân bị tự kỷ cần có sự phối hợp thầy cô giáo, cha mẹ và chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên ngành cùng can thiệp, điều trị cho trẻ như dạy cử chỉ giao tiếp, dạy nói, dạy cách thể hiện, giao tiếp xã hội; dạy kỹ năng tự phục vụ để trẻ tự lập; cùng chơi với trẻ, dùng tranh ảnh, chữ viết dạy trẻ tương tác ứng xử; cho trẻ học hòa nhập, học lớp chuyên biệt trong trường bình thường; học ở trung tâm cho trẻ khuyết tật…
Mi Ni
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây