Một số bệnh thường gặp vào mùa đông xuân và cách phòng tránh

Thứ bảy - 06/01/2024 19:18
Vào mùa đông xuân, tình hình thời tiết diễn biến thất thường có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển và dễ dàng bùng phát dịch bệnh. Vì thế, mỗi người cần đẩy mạnh các phương pháp phòng tránh dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe trong mùa này.
Phụ huynh đưa trẻ đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Mi Ni
Phụ huynh đưa trẻ đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Mi Ni

Thời tiết đông xuân lạnh ẩm không chỉ tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp. Một số bệnh thường gặp:

1. Bệnh sởi, rubella

Bệnh sởi và bệnh rubella là 2 bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh chủ yếu lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh hoặc qua các con đường tiếp xúc trực tiếp; đặc biệt, chúng có nguy cơ lây lan và dễ dàng trở thành đại dịch, nhất là ở trẻ em chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi, rubella.
Triệu chứng của bệnh thường là sốt, phát ban và viêm đường hô hấp. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não... có thể dẫn đến tử vong.
Tuy bệnh có triệu chứng nguy hiểm và có nguy trở thành dịch, nhưng chúng ta có thể phòng tránh bằng cách tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh. Với trẻ trong độ tuổi từ 9-12 tháng, người nhà cần đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi mũi một và tiêm nhắc lại mũi hai khi trẻ trên 18 tháng tuổi; đồng thời, tiêm vắc-xin sởi-rubella cho trẻ ở độ tuổi từ 12-14 tháng và thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.
2. Bệnh cúm mùa
Bệnh cúm mùa là dịch bệnh mùa đông xuân nguy hiểm và có nguy cơ bùng phát mạnh. Đặc biệt với những đối tượng có sức đề kháng kém, không tiêm chủng đầy đủ vắc-xin thì bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh cúm mùa thường lây lan qua tuyến nước bọt, nước mũi hoặc đờm của người bị bệnh với các triệu chứng như đau đầu, ngạt mũi, sốt, đau họng nhẹ.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; rửa tay với xà bông; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cúm hàng năm. Khi có triệu chứng cúm như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ kê đơn và dược sĩ tư vấn.
3. Bệnh tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy cấp là một trong những bệnh dễ bùng phát, nhất là trong thời tiết lạnh ẩm mùa đông xuân. Theo đó, đối tượng thường mắc bệnh là trẻ em có sức đề kháng kém. Bệnh tiêu chảy cấp là do các loại vi trùng tả, thương hàn hay các loại virus đường ruột như Rotavirus xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng. Tốc độ lây nhiễm của bệnh tiêu chảy rất nhanh nên dễ dàng trở thành dịch bệnh nguy hiểm.
Người mắc bệnh tiêu chảy cấp thường có các triệu chứng như: nôn mửa, đi ngoài nhiều lần, mất nước, các triệu chứng này có thể dẫn đến trụy mạch, thậm chí là tử vong nếu không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.
Để chủ động phòng bệnh tiêu chảy cấp, người dân cần thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Ngoài ra, rửa tay thường xuyên với xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
4. Cách phòng tránh dịch bệnh mùa đông xuân hiệu quả
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh mùa đông xuân, người dân cần thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh bằng một số biện pháp như sau:
- Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh theo đúng lịch, nhất là các đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...).
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, nếu cần thiết phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang.
- Thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý có đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước súc miệng và nước muối sinh lý. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi có các triệu chứng mắc các bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Ban Biên tập

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây