Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm

Thứ ba - 05/11/2024 15:56
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhất là trong nhà trường. Vì vậy, ngành Y tế phối hợp các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Đoàn kiểm tra của Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Rạch Giá.
Đoàn kiểm tra của Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Rạch Giá.
 
Theo báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, những tháng đầu năm 2024, Sở Y tếphối hợp với các địa phương lấy 168 mẫu xét nghiệm chỉ tiêu vi sinh, hóa lý tại phòng xét nghiệm, có 1 mẫu không đạt; test nhanh hóa lý 527 mẫu, có 32 mẫu không đạt. Sở Y tế thành lập 705 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm đối với 8.303 cơ sở; kết quả có 859 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 22 cơ sở, với số tiềntrên 63 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, thực hiện kiểm tra 80 cơ sở; kết quả 55 cơ sở vi phạm, chiếm 68,75%; xử phạt vi phạm hành chính đối với 55 cơ sở với số tiền trên 380 triệu đồng...
Ông Chung Tấn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh cho biết: “Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, giám sát mối nguy, kiểm tra việc tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Ý thức về đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ sở chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cơ sở vì lợi ích cá nhân, sử dụng các nguyên liệu, phụ gia ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến, kinh doanh để thu lợi nhuận, làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường lấy mẫu giám sát chất lượng thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, rượu, nước giải khát, nước uống đóng chai, phụ gia thực phẩm… Đồng thời, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh và các hóa chất khác dùng trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến thực phẩm.
Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong trường học, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Bình, cho biết: “Sở đề nghị Sở Y tế tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm cho giáo viên, học sinh, nhân viên căng tin và nhân viên các bếp ăn tập thể cung cấp suất ăn cho học sinh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các căng tin, bếp ăn lưu động phục vụ các suất ăn tập thể cho học sinh các trường. Các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bánh, kẹo, nước giải khát… khu vực xung quanh các trường học”.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đối với cấp tiểu học, trường học tự kiểm tra ít nhất 1 tháng/lần việc chấp hành an toàn thực phẩm, báo cáo về phòng giáo dục và đào tạo; đối với cấp 2, phòng giáo dục và đào tạo kiểm tra định kỳ 6 tháng/1 lần về việc chấp hành an toàn thực phẩm, báo cáo gửi về ủy ban nhân dân cấp trực thuộc và Sở Giáo dục và Đào tạo.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nguyễn Thành Nam cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát mối nguy an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền tập trung hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.
Vĩ An
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây