Một số bệnh thường gặp trong mùa hè và cách phòng tránh

Thứ hai - 08/05/2023 11:05
Thời tiết mùa hè với khí hậu nóng ẩm kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng phát triển, sẽ là những điều kiện thuận lợi cho nguy cơ dịch bệnh gia tăng, nhất là ở trẻ nhỏ. Người dân cần chủ động phòng, chống một số bệnh thường gặp mùa hè như sau:
Tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhiều bệnh cho trẻ. Ảnh: TL
Tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhiều bệnh cho trẻ. Ảnh: TL
 
1. Sởi: Là bệnh truyền nhiễm do virus Paramyxoviridae gây ra, bệnh rất dễ bùng phát thành dịch và lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, dễ tấn công người chưa có miễn dịch, đặc biệt là trẻ em chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.
Khi bị sởi, người bệnh sẽ bị nổi các nốt đỏ thành từng mảng dày ở sau tai, mặt rồi lan xuống cổ và ngực kèm theo sốt cao, ho dai dẳng hoặc mắt đỏ. Các triệu chứng của sởi rất dễ nhầm với biểu hiện của rôm sảy, dị ứng, thủy đậu, rubella… Chính sự nhầm lẫn này dẫn đến cách phòng lây nhiễm, điều trị không đúng, làm cho bệnh sởi của trẻ tiến triển sang thể nặng, đồng thời dễ làm bệnh lan rộng thành dịch.
Sởi có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ như tiêu chảy, viêm tai giữa đến biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não. Khi biến chứng nghiêm trọng, bệnh nhi có tỷ lệ tử vong cao.
Ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban… phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của sởi. Cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để cách ly trẻ, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
2. Thủy đậu: Là bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người mang bệnh qua nói chuyện, ho, hắt hơi. Thủy đậu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp qua các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bị thủy đậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành, phát triển và sức khỏe của thai nhi.
Thủy đậu có biểu hiện ban đầu là nổi các mụn nước trên da và niêm mạc, sốt cao, suy nhược, mệt mỏi. Thủy đậu có tốc độ lây lan nhanh, truyền nhiễm trực tiếp từ người sang người và có thể bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời.
Bệnh thủy đậu có thể khỏi hoàn toàn sau 1-2 tuần nếu được điều trị và chăm sóc kịp thời và đúng cách nếu không bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, viêm phổi…
Hiện nay, thủy đậu chưa có thuốc đặc trị nhưng có thể phòng ngừa dễ dàng được bằng cách tiêm phòng. Vắc xin ngừa thủy đậu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa từng mắc bệnh. Ngoài ra, người bị thủy đậu cần phải được cách ly cho đến khi các mụn nước khô hoàn toàn. Người bệnh nên ở trong một phòng riêng, có cửa sổ, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời và nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
3. Viêm não Nhật Bản: Là bệnh nhiễm trùng của não do virus viêm não Nhật Bản gây ra, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào mùa hè.
Bệnh Viêm não Nhật Bản thường khởi phát đột ngột, sốt cao trên 39 độ, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp… Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa may, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, vận động. Khi biến chứng nặng, viêm não Nhật Bản sẽ gây động kinh, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Bên cạn tiêm phòng bệnh cho trẻ, bố mẹ nên cảnh giác và theo dõi cẩn thận, nếu thấy trẻ sốt cao cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời.
4. Cúm: Là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh lây truyền trực tiếp giữa người với người bằng đường hô hấp thông qua nước bọt và dịch họng có chứa virus cúm.
Biểu hiện của bệnh là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài, có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em. Những người nhiễm vi rút cúm có thể diễn tiến nặng hơn, thậm chí tử vong vì những biến chứng của bệnh.
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là chủ động tiêm vắc xin cúm phòng bệnh. Tất cả mọi người bao gồm trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn nên tiêm vắc xin cúm hàng năm. Ngoài ra, cần phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt để đề phòng bệnh cúm.
5. Bệnh Tay - chân - miệng: Là bệnh thường bùng phát vào dịp hè, bệnh rất dễ lây lan từ người này sang người khác và có thể phát triển thành dịch.
Các triệu chứng bệnh tay - chân - miệng thường bắt đầu bằng sốt, giảm cảm giác ngon miệng, đau họng, và mệt mỏi. Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông trẻ. Bệnh nếu không can thiệp kịp thời có thể sẽ diễn tiến rất nhanh và gây tử vong chỉ trong 24h.
Hiện nay, tay - chân - miệng vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện: Rửa tay thường xuyên bằng xà bông nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước các bữa ăn, sau khi đi vệ sinh; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
6. Sốt xuất huyết: Là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn Aedes Aegypti mang vi-rút Dengue gây ra. Các con muỗi cái mang mầm bệnh, sau khi đốt người sẽ khiến người nhiễm virus bắt đầu phát bệnh với biểu hiện sốt cao liên tục, dưới da xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ sau 4 – 6 ngày
Đối với các bệnh nhân sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh có thể được điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, người bệnh, đặc biệt là trẻ em, cần được theo dõi sát để phát hiện các triệu chứng tiền sốc do mất máu. Ở thể nặng, bệnh gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng gan, thận, xuất huyết não và tử vong
Phụ nữ mang thai ở giai đoạn đầu bị sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Bệnh có thể gây suy thai, đẻ non, thai chết lưu do sốt và mất nước dài ngày hoặc tổn thương chức năng gan, thận.
Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết và thuốc điều trị đặc hiệu. Người dân cần có các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình như: Thường xuyên vệ sinh nơi ở, đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước tránh muỗi đẻ trứng; ngủ bằng màn kể cả ban ngày; phối hợp với phường, xã để phun hóa chất phòng dịch; ngay khi phát hiện bị sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị và theo dõi. Không được tự ý điều trị tại nhà.
Ban Biên tập

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây