Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

Thứ ba - 05/09/2023 15:21
Mùa thu - mùa tựu trường, cũng là khi thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển. Trẻ em là đối tượng dễ dàng bị lây nhiễm bệnh do hệ miễn dịch còn non nớt khi tiếp xúc với môi trường công cộng, đông người sẽ tăng tỷ lệ mắc bệnh. Vì vậy, vào thời điểm tựu trường, các bậc cha mẹ nên chú ý các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.
Học sinh rửa tay trước khi vào lớp. Ảnh: TL
Học sinh rửa tay trước khi vào lớp. Ảnh: TL

Các bệnh thường gặp vào mùa này như sởi, thủy đậu, cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng... Với điều kiện thời tiết, vi khuẩn, virus gây ra các bệnh này có thể lây lan nhanh và bùng phát thành dịch, đe dọa sức khỏe con trẻ nếu bố mẹ không có biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là đối với trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Trong môi trường học đường, trẻ đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do rất nhiều nguyên nhân. Một phần là do hệ thống miễn dịch còn non yếu, không đủ sức để chống lại các tác nhân gây bệnh, trẻ sẽ dễ bị các vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, trẻ có khả năng bị lây nhiễm chéo, tốc độ lây truyền bệnh cũng sẽ rất nhanh. Đặc biệt là đối với nhóm trẻ học mầm non nếu như không được bảo vệ tốt, khả năng mắc bệnh sẽ càng cao hơn như các bệnh nhiễm trùng, tay chân miệng, các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về hô hấp, như: Viêm VA cấp, viêm phổi phế quản, viêm phổi, cúm A/B), Covid-19, tay chân miệng, sốt virus (siêu vi), nhiễm trùng đường ruột...
Tùy theo bệnh, trẻ có triệu chứng lâm sàng khác nhau. Nhiều bệnh lý nguy hiểm dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường như: Covid-19, viêm phổi cấp, viêm họng cấp, sốt xuất huyết... nếu cha mẹ không thận trọng chăm sóc đúng cách, có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy, người lớn cần theo dõi sức khỏe, đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu cảnh báo như: da xanh, khó thở, thở mệt, sốt cao liên tục trên 38 độ, li bì, bỏ ăn kéo dài, nôn ói, tiêu chảy, ho liên tục kéo dài...
Để phòng bệnh cho trẻ trong những ngày đầu đi học, cần sự kết hợp của nhà trường, cha mẹ trong việc hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh tại trường học, khu vực công cộng; chế độ học tập, sinh hoạt phù hợp, như:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tạo thói quen rửa tay cho trẻ và rửa tay đúng cách: Rửa tay là biện pháp đơn giản và rất hiệu quả để phòng lây nhiễm bệnh ở trẻ. Vì trẻ em thường dành nhiều thời gian sinh hoạt với nhau trong suốt cả ngày nên việc tạo thói quen rửa tay cho trẻ và rửa tay đúng cách nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh là việc làm rất cần thiết.
- Trẻ vừa trải qua thời gian nghỉ hè kéo dài, nên thói quen sinh hoạt đảo lộn, có thể ngủ trễ, dậy trễ. Vì thế, trước khi nhập học trở lại, cha mẹ cần thông báo cho con lịch tựu trường, rèn giờ giấc sinh hoạt ổn định, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya dậy sớm để đảm bảo sức khỏe cho năm học mới.
- Nên tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác khi trẻ mắc bệnh. Trong những ngày đi học, nếu trẻ bệnh - đặc biệt bệnh lây nhiễm, cần cách ly trẻ ở nhà chăm sóc, đồng thời gia đình thông báo cho nhà trường về bệnh con nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao như: Covid-19, tay chân miệng, cúm A... Việc thông tin kịp thời giúp nhà trường tiếp tục phát hiện, theo dõi ngăn chặn lây trong lớp học.
- Cho trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch các mũi vaccine phòng bệnh, như: Cúm, ho gà, sởi, thủy đậu, viêm phổi, viêm màng não do HiB, lao, rubella, quai bị, viêm não Nhật Bản, bệnh do phế cầu, bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus... Trẻ được tiêm chủng sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh và không lây nhiễm cho bạn bè và những người trong gia đình.
Bên cạnh đó, để bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ lây nhiễm bệnh, luôn cần sự phối hợp từ phía nhà trường và gia đình. Trường học cần đảm bảo khử khuẩn môi trường sạch sẽ, trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà bông...
Ban Biên tập

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây