Chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng

Thứ năm - 06/07/2023 20:55
Thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng nhanh, đồng thời ghi nhận sự xuất hiện của virus Entorovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 224 ca mắc bệnh tay chân miệng; trong đó, ghi nhận 1 trường hợp tử vong, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng. Ảnh: ST
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng. Ảnh: ST
 
Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi-rút đường ruột, gồm có Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Vi-rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng như: sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết, bệnh tay chân miệng đều diễn biến ở thể nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng:
- Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, hoặc đã từng tiếp xúc với dịch từ nước mũi, nước bọt của người bệnh trong lúc họ ho hay hắt hơi.
- Trẻ cầm nắm những đồ dùng hoặc chạm tay vào sàn nhà có dính vi khuẩn gây bệnh tay chân miệng. Sau đó lại tiếp tục cầm nắm đồ ăn hoặc đơn giản chỉ là đưa tay bẩn lên miệng mà chưa được rửa sạch.
- Người ở chung hoặc chăm sóc trẻ không vệ sinh tay chân mà chăm sóc, chơi đùa cùng trẻ khiến trẻ có nguy cơ bị tái nhiễm bệnh tay chân miệng. Mỗi lần nhiễm bệnh thì người bệnh chỉ tạo ra kháng thể cho một loại virus nhất định. Vì vậy, nếu trẻ bị nhiễm virus của một nhóm khác sẽ khiến trẻ dễ dàng bị mắc bệnh lại.
Cách nhận biết bệnh tay chân miệng:
- Mệt mỏi, ho, sốt nhẹ lúc mới bắt đầu và dần dần sốt cao hơn.
- Nổi bọng nước trên da, quanh miệng, bên trong má, trong lòng bàn tay và bàn chân, xung quanh mông hoặc hậu môn.
- Các bọng nước không xuất hiện liền, chúng bắt đầu bằng những vết chấm nhỏ, mờ và phẳng. Sau đó mới phát triển lớn hơn và cuối cùng ta sẽ thấy đó là những vết phồng rộp đỏ khiến trẻ đau đớn và khó chịu.
Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà bông dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín. Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn hoặc ghế, sàn nhà bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và xử lý kỹ lưỡng.
- Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu: Da và môi khô, cơ thể suy nhược, tiểu rất ít hay không tiểu tiện trong suốt 6 tiếng đồng hồ; cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ có biện pháp bù nước thích hợp. Với những trường hợp biến chứng nặng hơn như: sốt kéo dài, khó chịu, giảm hoạt động, co giật, khó thở, tăng nhịp tim, cứng cổ, tê liệt tay chân, rối loạn ý thức thì cần cho trẻ nhập viện ngay để điều trị kịp thời.
Ban Biên tập

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây