Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế).
Giác ngộ cách mạng ở tuổi 17, người thanh niên Nguyễn Vịnh đã tham gia đấu tranh chống lại bọn cường hào ở địa phương và sau đó tham gia các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, quyết tâm suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí quan niệm “đạo đức cao quý nhất của người cộng sản là hy sinh phấn đấu, hy sinh là hy sinh cái cá nhân, phấn đấu là phấn đấu vì cách mạng”.
Xuất phát từ quan điểm tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng kết: “Dân là cái vốn cách mạng quý nhất, quý hơn tất cả. Vì: Còn dân thì nước còn. Mất dân thì nước mất”. Quán triệt sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn khẳng định: “Quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Mặt trận Bình - Trị - Thiên là một minh chứng hùng hồn, sinh động cho quan điểm của đồng chí về lòng dân, sức dân, trí dân. Với tư tưởng “Chúng ta phải tranh thủ từng người, từng thôn. Chúng ta không để mất dân, chết cũng không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”, đồng chí đã chỉ đạo phát triển chiến tranh du kích trong lòng dân, từ đó góp phần làm nên nhiều chiến công oanh liệt ở mặt trận Bình - Trị - Thiên khói lửa.
Trên cương vị Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không sức mạnh nào có thể so sánh nổi sức mạnh của quần chúng trong lao động sản xuất. Phát hiện và tin, dựa vào sức mạnh, tài trí của nhân dân đã làm nên một Nguyễn Chí Thanh với cách gọi trìu mến của Bác Hồ là “Đại tướng nông dân”.
Đạo đức của đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn là những quan điểm và tấm gương sáng ngời về quyết tâm triệt để chống chủ nghĩa cá nhân. Học tập và làm theo Bác, đồng thời nắm vững những vấn đề lý luận căn cốt của chủ nghĩa Mác - Lênin liên quan đến chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cá nhân, khoa học về duy vật lịch sử, trăn trở với vận mệnh của đất nước, sự tồn vong của Đảng và chế độ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có nhiều bài viết tâm huyết có sức lan tỏa, thuyết phục, cảm hóa sâu sắc về chống chủ nghĩa cá nhân. Trong bài “Nâng cao tư tưởng xã hội chủ nghĩa, khắc phục chủ nghĩa cá nhân” (năm 1957), đồng chí đã vạch rõ nguồn gốc và hoàn cảnh phát sinh của chủ nghĩa cá nhân, nêu lên những biểu hiện, hình thái, tác hại và sự phát triển của nó, phân rõ ranh giới giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể.
Những bài viết, bài nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chống chủ nghĩa cá nhân đề ra phương hướng khắc phục trên nền tảng là củng cố, tu dưỡng lập trường của giai cấp công nhân. Điều quan trọng nhất đối với mỗi người cách mạng là biết vì Đảng, vì Tổ quốc và đồng bào, đặt lợi ích của dân tộc và Tổ quốc lên trên hết, trước hết, quan tâm đến đời sống của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn là tấm gương sáng về tác phong làm việc khoa học, thiết thực, cụ thể, liên hệ lý luận với thực tiễn. Với tinh thần thẳng thắn, chân tình, đồng chí thường phê bình bệnh nói suông, lối làm việc qua loa, đại khái, hình thức, không đi vào thực chất. Đây chính là một khía cạnh chiều sâu trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người nhắc nhở “Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông”. Trong quá trình chỉ đạo công tác nông thôn, với tác phong sâu sát, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm, Đại tướng đã có những đóng góp quan trọng tạo nên luồng gió mới Đại Phong, một mô hình nông nghiệp điển hình khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nắm chắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn luôn đổi mới, sáng tạo. Trong công tác đảng, công tác chính trị, cũng như trong chỉ đạo tác chiến, phát triển nông nghiệp, không chấp nhận tư duy rập khuôn, máy móc, giáo điều, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, luôn luôn đổi mới và sáng tạo, xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Bàn về việc cải tiến tác phong công tác, Đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có mẫn cảm với cái mới, vứt đi những cái lạc hậu, lỗi thời, có như thế sự lãnh đạo của chúng ta mới có sức sống”.
Cả cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sống trong sạch, vì dân, vì nước, không gợn chút riêng tư; một con người khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, sống đoàn kết, nghĩa tình, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào. Đạo đức trong sáng, mẫu mực của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương cụ thể, gần gũi để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo, học tập.
Minh Vy