BẢN TINhttp://tonghop.kiengiang.dcs.vn/uploads/logo-dang-chuan.jpg
Thứ sáu - 08/12/2023 09:32
Cách mạng Tháng Tám thành công không bao lâu, thực dân Pháp đã tiếp tục gây hấn, với mưu đồ cướp nước ta một lần nữa. Trước tình hình đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta chống kẻ thù xâm lược.
Ngay khi vừa giành lại độc lập, đất nước ta đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội rơi vào khủng hoảng trầm trọng: Sản xuất trì trệ, ngân khố quốc gia trống rỗng, nạn đói năm 1945 làm gần 2 triệu người chết; hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội còn rất phổ biến, các thế lực phản động ra sức hoạt động chống phá... Không chỉ vậy, đất nước ta còn phải đối diện với giặc ngoại xâm khi mà ở miền Bắc có 20 vạn quân Tưởng kéo theo bọn tay sai Việt quốc, Việt cách hòng cướp lại chính quyền. Ở miền Nam quân Anh kéo vào, dọn đường cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, trên cả nước còn 6 vạn quân Nhật chờ giải giáp, theo lệnh của quân Anh chống phá chính quyền cách mạng. Vận mệnh dân tộc nguy nan như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội. Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đàm phán, nhân nhượng để tìm kiếm giải pháp hòa bình, nhưng mọi cố gắng của ta đều bị thực dân Pháp khước từ. Trước tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 12/12/1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị toàn quốc kháng chiến; ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong đó Người khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội đã trở thành chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Sau đòn tiến công chủ động, đồng loạt và bất ngờ lúc 20 giờ, ngày 19/12/1946, quân và dân Thủ đô tiếp tục triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, tản cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân; chuyển hàng ngàn tấn máy móc, vật tư ra an toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến.
Cùng với thủ đô Hà Nội, quân và dân các đô thị ở Bắc vĩ tuyến 16 cũng giành được thắng lợi quan trọng. Quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ.
Cùng chiến đấu trực tiếp với quân Pháp, chúng ta thực hiện cuộc tổng di chuyển các cơ quan, kho tàng, máy móc vào an toàn khu. Đến tháng 3/1947, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, Mặt trận đã được chuyển lên Việt Bắc an toàn. Việt Bắc trở thành Thủ đô của cuộc kháng chiến toàn quốc. Ở các địa phương cũng diễn ra việc di chuyển cơ quan vào các vùng nông thôn hoặc những nơi rừng núi, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc giữa các địa phương và Trung ương ở chiến khu Việt Bắc. Nhân dân các vùng có chiến sự cũng triệt để thi hành chính sách “vườn không nhà trống”, tản cư ra vùng tự do. Chỉ sau một thời gian ngắn, mọi hoạt động của đất nước đã chuyển hướng theo hoàn cảnh thời chiến và phục vụ kháng chiến lâu dài. Cuộc chiến đấu oanh liệt, sáng tạo của quân, dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và ý chí xâm lược của kẻ thù, làm tiền đề vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo.
Gần 80 năm trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước hết, đó là kết quả từ quá trình đấu tranh đầy cam go, phức tạp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo, biểu hiện cụ thể là những quyết sách đúng đắn, sáng tạo vừa linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng rất kiên quyết. Mặt khác, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến còn thể hiện rõ sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam, sức mạnh ấy được tạo ra từ truyền thống yêu nước nồng nàn kết hợp với chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, nhờ đó mà ngay từ đầu chúng ta đập tan âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài, mở ra thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975).
Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn chặt với an ninh nhân dân vững mạnh bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch; không ngừng chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Nguyễn Oanh