Phụ nữ Việt Nam luôn xứng đáng 8 chữ vàng “cần cù - bất khuất - trung hậu - đảm đang”

Chủ nhật - 08/10/2023 22:16
Ngày 20/10 hàng năm được chọn là Ngày Phụ nữ Việt Nam, đó là sự ghi nhận của đất nước với những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Cần cù - bất khuất - trung hậu - đảm đang”. Trải qua 93 năm và năm nào cũng vậy, vào ngày 20/10 chị em phụ nữ đều nhận được những tình cảm cao đẹp nhất.
Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một chặng đường dài, đầy gian nan thử thách, nhưng cũng đầy oanh liệt, với những chiến công sáng ngời. Ở đó con người Việt Nam - một nửa là phụ nữ được tôi luyện, trưởng thành và ngày càng khẳng định những phẩm chất tinh hoa tốt đẹp của dân tộc. Với truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm, với tinh thần cần cù lao động, sáng tạo, đức tính đảm đang, trung hậu, chịu đựng gian khổ hy sinh đã làm nên các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tinh thần khí phách của phụ nữ Việt Nam được lịch sử ghi dấu bằng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mở đầu cho ý chí bất khuất. Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức bóc lột, phải chịu nhiều bất công, nên luôn có nhu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng.
Xuất phát từ thực tế lịch sử của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy vai trò to lớn của phụ nữ, Người viết trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927): An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mở ra một bước ngoặt quyết định cho phong trào phụ nữ. Nhiều tổ chức phụ nữ được hình thành và phát triển tại các địa phương như: Hội Phụ nữ giải phóng 1930-1931; Hội Phụ nữ dân chủ 1936-1938; Hội Phụ nữ phản đế 1939; Đoàn Phụ nữ cứu quốc 1941… Trước vận mệnh của dân tộc, nhiều phụ nữ đã tình nguyện thoát ly gia đình, tích cực hoạt động cách mạng, gây dựng cơ sở nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, đảng viên, trực tiếp tham gia khởi nghĩa, các đội tự vệ, vũ trang, tuyên truyền… góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.
Sau khi giành được chính quyền, phong trào phụ nữ đã hòa nhịp cùng với nhân dân tập trung sức mạnh, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Hội phụ nữ là lực lượng nòng cốt tham gia vào các phong trào do Chính phủ phát động như: không bỏ một tấc đất hoang, bình dân học vụ, hũ gạo cứu quốc, bảo trợ thiếu nhi... Cũng trong thời gian này, có 2 tổ chức hội song song tồn tại đó là: Đoàn Phụ nữ cứu quốc và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nhưng đều có mục tiêu chung là: “Đoàn kết giác ngộ các tầng lớp phụ nữ tham gia vào công cuộc cách mạng dân tộc”. Tháng 4/1950, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất đã hợp nhất 2 tổ chức: Đoàn Phụ nữ cứu quốc và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành một tổ chức là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí  Minh”, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát động các phong trào như: phụ nữ học cày bừa; phụ nữ tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”; mua công phiếu kháng chiến; diệt giặc dốt; diệt giặc đói; đời sống mới; tham gia hội mẹ chiến sĩ.... Sự đóng góp của phụ nữ ở hậu phương và cả tiền tuyến từ bắc đến nam, từ thành thị đến nông thôn đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã nêu biết bao tấm gương sáng ngời với những phẩm chất cao quý về lòng trung thành với Tổ quốc, về tinh thần hy sinh dũng cảm quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, kể cả trong những hoàn cảnh hiểm nghèo nhất, các chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Bùi Thị Cúc, Hoàng Ngân, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Định và biết bao nữ anh hùng, liệt sỹ mãi mãi là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Tên tuổi của các chị đã được khắc ghi trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc và luôn gắn liền với lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, các thế hệ phụ nữ Việt Nam tự hào có hàng triệu bà mẹ đã hy sinh, nuôi dưỡng các thế hệ anh hùng, hiến dâng cho Tổ quốc những người con thân yêu nhất của mình, những người đã làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc, làm rạng rỡ non sông, đất nước ta. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Khi đất nước thống nhất, từ ngày 10-12/6/1976 tại thành phố Hồ Chí Minh, hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam với tên gọi chung là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập hội. Từ đây, phụ nữ Việt Nam đã có tổ chức riêng của mình, có vị trí trong lịch sử của dân tộc.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đã và đang phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; kế thừa thành quả to lớn của phong trào phụ nữ và hoạt động hội; bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, tiếp tục xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và chức năng đại diện của tổ chức hội. Hội đã đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp; tập trung tham mưu, đề xuất chính sách, giám sát, phản biện xã hội; tăng cường vận động xã hội, tích cực hội nhập quốc tế; chăm lo tốt hơn lợi ích chính đáng của phụ nữ, tạo động lực động viên đông đảo phụ nữ phát huy dân chủ, cần cù, năng động, sáng tạo, trách nhiệm xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và tổ chức Hội, thực hiện mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội vận động hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án của Chính phủ và có những đề xuất chính sách, phát động nhiều phong trào, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thái Văn Khởi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây