Nguyễn Trung Trực - vị tướng lĩnh nhân dân xuất sắc

Chủ nhật - 08/10/2023 22:14
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có biết bao anh hùng đã được nhân dân tôn vinh, lịch sử lưu truyền gương sáng. Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực là một trong số đó. Ông đã đi vào lịch sử với hai chiến công vang dội: Đốt cháy tàu giặc Pháp trên vàm Nhật Tảo năm 1861 và tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh lụy Rạch Giá năm 1868.
Lễ hội truyền thống kỷ niệm 154 năm Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, năm 2022.
Lễ hội truyền thống kỷ niệm 154 năm Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, năm 2022.

Nguyễn Trung Trực thuở thiếu thời tên là Nguyễn Văn Lịch (còn gọi là Quản Chơn, Quản Lịch, sinh ra tại Bình Nhật, huyện Cửa An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình nông dân làm nghề chài lưới. Sinh thời, ông là người tinh thông võ nghệ, am hiểu sách thánh hiền, tính tình cương trực, giàu lòng yêu nước.
Khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, ông được tuyển chọn vào đội nông binh dưới quyền chỉ huy của lãnh binh Trương Định và giữ các chức vụ: Quyền sung quân binh, Quản cơ lãnh binh. Năm 1861, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ 2, ông cùng đội nông binh tham gia bảo vệ Kỳ Hòa (Gia Định) dưới tướng Thống đốc quân Vụ đại thần Nguyễn Tri Phương. Sau khi thành Gia Định thất thủ lần thứ 2 ( tháng 2/1861), ông đã tập hợp những người yêu nước tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh vùng Tây Nam bộ, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề.
Tiêu biểu là trận chiến dùng hỏa công đốt cháy và nhấn chìm tiểu pháo hạm Hy vọng (L’Espérance) tại Vàm Nhật Tảo (Bến Lức, Long An). Sau chiến công này, ông được triều đình Huế phong làm Thành thủ úy Hà Tiên. Chưa kịp về Hà Tiên nhậm chức thì Hà Tiên đã bị đánh chiếm. Nguyễn Trung Trực lui về Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) tổ chức lực lượng tiến công tiêu diệt toàn bộ lính Pháp trú tại đồn Rạch Giá, làm chủ tỉnh lỵ trong 10 ngày. Lần đầu tiên trong lịch sử chống quân Pháp, dưới sự chỉ huy của vị tướng chưa được 30 tuổi với số lượng nghĩa quân ít ỏi đã đốt cháy được 1 tàu sắt được quân Pháp xem là vũ khí bất khả chiến bại thời bấy giờ và đánh chiếm làm chủ 1 đồn thành tỉnh lỵ lớn trong 10 ngày.
Quân Pháp đã dồn toàn lực, dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo nhằm tiêu diệt bằng được nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, để dập tắt tinh thần kháng chiến của nghĩa quân An Nam. Cuối cùng quân Pháp đã bắt được ông, đem về Sài Gòn thẩm vấn, dùng chức tước, tiền tài khuyến dụ nhưng không thành công. Ngày 27/10/1868, quân Pháp đem Nguyễn Trung Trực về xử chém tại Rạch Giá, khi đó ông mới 30 tuổi. Người dân tỉnh Rạch Giá đổ về khu vực pháp trường để đưa tiễn ông. Với 2 chiến công vang vội và thân thế sự nghiệp của ông, dân chúng sáng tạo nên rất nhiều truyền thuyết và chuyện kể mang màu sắc dân gian để tôn vinh ông.
Sau khi Nguyễn Trung Trực bị xử chém tại Rạch Giá, để tưởng nhớ công lao của ông, người dân đã lén lút thờ cúng ông tại đình thờ Ông Nam Hải thuộc xóm chài trên bờ kênh ông Hiển, nay thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá. Đến năm 1891, đình thần Nam Hải được di dời về phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá. Hàng năm, tại đình tổ chức lễ cúng giỗ ông từ ngày 26-28/8 âm lịch. Dần dần, ngày cúng ông đã trở thành một lễ hội của đình.
Trải qua 155 năm, đình thần Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá được nhân dân tôn vinh là đình thờ chính và là nơi tổ chức lễ hội hàng năm, thu hút hơn 1 triệu lượt người tham dự. Hình tượng người Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực đã trở thành niềm tự hào không chỉ đối với nhân dân Kiên Giang, mà còn nhân dân trong khu vực và cả nước.
Minh Vy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây