Đóng góp của đồng chí Tô Hiệu trong khôi phục tổ chức đảng và phong trào cách mạng Việt Nam

Thứ ba - 01/03/2022 19:26
32 tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng về sự dũng cảm, gan dạ, kiên trung, một lòng vì nước vì dân.
Tượng đài đồng chí Tô Hiệu, tại Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng. Ảnh: TL
Tượng đài đồng chí Tô Hiệu, tại Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng. Ảnh: TL

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Kế thừa truyền thống quê hương và gia đình, năm 1930, đồng chí vào Sài Gòn hoạt động cách mạng và bị thực dân Pháp bắt, kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Trong thời gian này, đồng chí đã tham gia đấu tranh trong tù và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng; tham gia lãnh đạo cao trào dân chủ ở Bắc Kỳ và được bầu vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ.
Năm 1938, đồng chí được Trung ương Đảng điều về đặc trách Bí thư Liên khu B (gồm các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, Hải Dương và Hưng Yên) kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Cuối năm 1939, đồng chí bị bắt, giam tại nhà tù Hải Phòng, nhà tù Hỏa Lò; bị kết án 5 năm khổ sai, đày lên nhà tù Sơn La vào cuối năm 1940. Ở đây, do chế độ lao tù tàn bạo, đồng chí đã anh dũng hy sinh ngày 7/3/1944, khi mới 32 tuổi.
Là đảng viên cộng sản, đồng chí Tô Hiệu luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Trong thời gian hoạt động ở quê hương, đồng chí đã bí mật tuyên truyền, vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng. Ngôi nhà thân mẫu của đồng chí đã trở thành cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngoài ra, đồng chí còn vận động, tuyên truyền lý tưởng cộng sản cho thanh niên yêu nước các vùng lân cận. Chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Văn Lâm ra đời, có sự đóng góp không nhỏ từ những lần tuyên truyền của đồng chí Tô Hiệu. Đồng chí bắt liên lạc với tổ chức, tham gia hoạt động khôi phục Xứ ủy và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ. Khi là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách khu B, đồng chí trở thành một trong những chiến sĩ tiên phong, góp phần thúc đẩy sự phát triển các phong trào cách mạng, củng cố và xây dựng tổ chức đảng trong giai cấp công nhân, nông dân và trí thức, học sinh ở vùng duyên hải nước ta.
Với vai trò Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu chú trọng công tác tuyên truyền để dân chúng biết Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn tồn tại. Đồng chí sáng lập ra tờ Chiến đấu, cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh B; bản thân đồng chí vừa là chủ bút, vừa tích cực viết bài. Đồng thời tham gia trực tiếp đào tạo nhiều cán bộ cách mạng, sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Với quan điểm lấy các cuộc đấu tranh của công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng, trong khoảng từ tháng 3 - 8/1939, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng, đứng đầu là đồng chí Tô Hiệu, Hải Phòng đã tổ chức 30 cuộc đấu tranh. Các cuộc đấu tranh này đều nổ ra một cách vang dội. Điển hình là, cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Tơ (5/1939) kéo dài suốt 1 tháng;biểu tình chống tăng thuế, buộc chính quyền thực dân, các chủ nhà máy phải nhượng bộ, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao trong các báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản.
Trong thời gian ở Nhà tù Sơn La, được bầu làm Bí thư Chi bộ Nhà tù, đồng chí Tô Hiệu vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù. Đồng chí đã vượt lên bệnh tật để tổ chức công tác giáo dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho chi bộ, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh… Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà tù, đời sống trong tù được tổ chức rất quy mô và khoa học. Ủy ban Nhà tù được thành lập để lãnh đạo mọi mặt. Ủy ban Nhà tù lại tổ chức ra các ban: Trật tự trong, Trật tự ngoài, Kinh tế, Cứu tế, Hồng thập tự, Đối ngoại, Sản xuất, Dân vận, Binh vận, Học tập và xuất bản báo Suối Reo…, để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho anh em tù nhân, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng. Cuối năm 1942, Chi bộ Nhà tù Sơn La được Ban Chấp hành Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ công nhận là Chi bộ đặc biệt, phụ trách Nhà tù Sơn La và phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La… Sau này, nhiều chiến sĩ cộng sản là đảng viên Chi bộ Nhà tù Sơn La đã trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội như Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thanh Bình, Mai Chí Thọ…
Có thể nói, trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp, đồng chí Tô Hiệu luôn thể hiện vai trò tiên phong, tích cực đóng góp xây dựng tổ chức đảng và phong trào cách mạng nước ta. Bằng những hoạt động thực tế rất hiệu quả, đồng chí đã góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho Đảng và phong trào cách mạng nước ta bước vào giai đoạn vận động tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để lại cho Đảng nhiều kinh nghiệm có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của đồng chí là sự tiếp nối những gương anh hùng trong lịch sử nước nhà. Tinh thần yêu nước, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ” qua tấm gương Tô Hiệu sẽ tiếp tục được nối dài theo từng giai đoạn lịch sử dân tộc.

Thái Văn Khởi
Trưởng phòng Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây