Đồng chí Phạm Hùng - Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng

Thứ bảy - 04/06/2022 08:25
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Phạm Hùng cũng luôn thể hiện rõ tinh thần, khí phách của người chiến sĩ cộng sản, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đồng chí Phạm Hùng (thứ 3, từ trái qua), tham quan triển lãm của Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh tại Hội chợ Quang Trung, năm 1986. Ảnh: TL
Đồng chí Phạm Hùng (thứ 3, từ trái qua), tham quan triển lãm của Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh tại Hội chợ Quang Trung, năm 1986. Ảnh: TL
 
Đồng chí Phạm Hùng, tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, tại làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Tham gia cách mạng ngay từ khi còn đang tuổi học trò, năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công làm Bí thư Chi bộ trường Trung học Mỹ Tho, là một trong những Bí thư chi bộ đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho. Năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta cùng với Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp, Chính phủ Pháp buộc phải giảm án xuống chung thân khổ sai và đàyđồng chí đi Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, với tư cách là Bí thư Đảo ủy, đồng chí lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất (1945) và được bầu vào Xứ ủy Nam Bộ.

Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Phạm Hùng cùng Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể của Nam Bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng. Nổi bật nhất là tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện dân chủ ở nông thôn (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân nghèo); chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị, giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất… Nhờ vậy, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, mở rộng vùng giải phóng, góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng tham gia biên soạn, hoàn thiện dự thảo Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa II) xây dựng nghị quyết Trung ươngXV - nghị quyết tạo bước ngoặt cho cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công. Đồng chí đã dành hết tâm huyết, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế đất nước, trực tiếp đi cơ sở động viên phong trào sản xuất nông nghiệp, cơ sở sản xuất kinh tế; kiểm tra và chỉ đạo thực tiễn địa phương; chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản điều hành kinh tế vĩ mô và tổ chức các nhiệm vụ phát triển trên các mặt trận kinh tế - xã hội đạt những thành tựu quan trọng, thúc đẩy phát triển toàn diện, làm hậu phương vững chắc cho tuyền tuyến miền Nam.

Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo quân và dân ta, nhất là cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang chớp thời cơ để hoàn thành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sáng ngày 30/4/1975, sau khi nghe tin Tổng thống Sài Gòn đề nghị với phía cách mạng ngừng bắn để thương lượng, đồng chí Phạm Hùng đã ký và cho phát ngay bức điện hỏa tốc gửi các đơn vị trên chiến trường: “Địch đang dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!”. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đồng chí đã tỏ rõ tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất, vượt qua gian khổ và ác liệt của đạn bom, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ: Đưa non sông Việt Nam thu về một mối.

Sau giải phóng, tình hình đất nước vô cùng khó khăn, phức tạp, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí chú trọng xây dựng đạo đức người công an cách mạng, phát động toàn lực lượng Công an phong trào học tập, thấm nhuần và thực hiện nghiêm 6 điều Bác Hồ dạy; góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân trưởng thành lớn mạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch và phản cách mạng thời hậu chiến, giữ gìn sự bình yên cho đất nước.

Trong những năm đầu đổi mới, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch cấm vận, bao vây, phá hoại nhiều mặt, hòng làm đất nước ta kiệt quệ về kinh tế. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đổi mới, đồng chí đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm trước những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước ta thoát khỏi nghèo đói, phát triển đi lên.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Hình ảnh của đồng chí Phạm Hùng vẫn sống mãi trong trái tim những người đồng chí, đồng đội và đồng bào.

Thái Văn Khởi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây