Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Thứ bảy - 02/07/2022 22:35
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ - những người hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Bác Hồ thăm trại điều dưỡng thương binh nặng tại Bắc Ninh. Ảnh: TL
Bác Hồ thăm trại điều dưỡng thương binh nặng tại Bắc Ninh. Ảnh: TL
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta đập tac xiềng xích của thực dân, đế quốc, phong kiến, lập nên nhà nước dân chủ, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, vừa giành được độc lập không bao lâu, dân tộc ta lại bước vào cuộc chiến đấu mới, khi chỉ 21 ngày sau, thực dân Pháp quay lại hòng chiếm lấy nước ta một lần nữa. Trong cuộc chiến đấu này, rất nhiều người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trên chiến trường hoặc mất đi một phần xương thịt của mình.
Thấu hiểu nỗi đau, sự hy sinh mất mát của thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ, nên khi nước nhà độc lập, Bác đã đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo cho thương binh và gia đình có người thân là liệt sĩ. Trong bức thư đăng trên báo Cứu quốc ngày 7/1/1946, Bác viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi” và chỉ thị chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh, liệt sĩ”.
Thực hiện chỉ thị của Người, vào tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã tổ chức cuộc họp chọn ngày kỷ niệm Thương binh, Liệt sĩ tại Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày “Thương binh toàn quốc”. Đến tháng 7/1955, Ngày “Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày thương binh liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ” của cả nước.
Trong Ngày Thương binh, Liệt sĩ tổ chức lần đầu tiên ở Việt Bắc (27/7/1947), tại cuộc mít tinh kỉ niệm có mặt 2.000 người tham dự, Ban Tổ chức đã đọc bức thư của Bác Hồ, trong đó nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh, bởi vì: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Nhân ngày này, Bác Hồ gửi tặng Ban Thường trực 1 chiếc áo lụa, 1 tháng lương và tiền 1 bữa ăn của Người và của nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng 1.127 đồng. Kể từ đó trở đi, hàng năm cứ đến ngày 27/7, Người đều gửi thư và quà để thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ. Xuất phát từ thực tế đất nước còn nghèo lại đang tiến hành kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ cho rằng công tác thương binh, liệt sĩ là việc làm “lâu dài chứ không phải chỉ trong một thời gian” và coi đây “là nghĩa vụ của nhân dân” chứ không phải là việc làm phúc, ban ơn. Do đó, phải chú trọng những biện pháp để đồng bào nhiệt tình đền ơn, đáp nghĩa, còn những người được giúp đỡ thì “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động lợi ích cho xã hội”.
Với các thương binh, Người ân cần căn dặn: “Hòa mình với nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân, không công thần, không coi thường lao động, không coi thường kỷ luật, không bi quan chán nản” và “thương binh tàn nhưng không phế”...
Tháng 5/1968, dù đang bệnh nặng, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung một số nội dung, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Thực hiện tâm nguyện của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thể hiện trách nhiệm đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ bằng những chính sách ngày càng hoàn thiện với nhiều chương trình, như: Xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc và nuôi dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang; xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ cùng với chương trình hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, miễn viện phí, học phí cho những gia đình chính sách...
Trải qua 75 năm, dù những lúc gian khổ, khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn luôn coi trọng công tác thương binh, liệt sĩ, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Minh Vy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây