Tìm hiểu hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ tư - 04/05/2022 21:08
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) đau đáu nỗi niềm cứu nước, cứu dân.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920. Ảnh: TL
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920. Ảnh: TL

Ngày 5/6/1911, tại bến Nhà Rồng, Người bắt đầu chuyến hành trình, mang theo khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.

Sinh sống và làm việc tại nhiều nước tư bản và phương Tây đã giúp cho chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành hiểu rõ rằng: Ở đâu đâu đế quốc tư bản thực dân cũng rất dã man, tàn bào, cũng đầy rẫy những quan hệ phi nhân tính; ở đâu đâu những người lao động nghèo khổ, bần cùng cũng là bạn bè, anh em, đồng chí của nhau, họ phải được tập hợp lại, đứng lên đấu tranh giải phóng.

Hơn ai hết, Bác hiểu rất rõ truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, Người cho rằng, yêu nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước, trở thành tình cảm thiêng liêng trong mỗi người dân Việt Nam; chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến hiện đại, nó giữ vị trí chuẩn mực cao nhất của đạo lý và đứng đầu trong bậc thang giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, tạo nên sức mạnh vô địch trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Hiếm có một dân tộc nào như dân tộc ta phải chống ngoại xâm nhiều lần. Kể từ kháng chiến chống quân Tần thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, trong hơn 22 thế kỷ thì có hơn 12 thế kỷ dân tộc ta phải tiến hành kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống ách đô hộ của nước ngoài.

Bác cũng nhận thức được rằng: Lòng yêu nước vĩ đại như thế, chủ nghĩa dân tộc kỳ diệu như thế, đã từng làm nên những kỳ tích trong lịch sử cổ, trung, đại, nhưng bước vào thời kỳ cận đại, thì lòng yêu nước, truyền thống ấy bộc lộ những hạn chế cần được bổ sung và phát triển lên. Đây chính là động cơ, động lực để Bác muốn đi tìm trên thế giới họ làm như thế nào? Bởi vì từ khi Pháp xâm lược, nhân dân ta liên tục nổi dậy, liên tiếp có các phong trào yêu nước chống Pháp, bất khuất, dũng cảm nhưng sao không thành công.

Từ nhận thức sức mạnh và những hạn chế lòng yêu nước của dân tộc, Bác Hồ mới giành 30 năm đi tìm một chân lý cứu nước mới và trong quá trình bôn ba khắp thế giới, Bác rút ra và bổ sung thêm những nhận thức mới về sức mạnh dân tộc. Hóa ra, khổ đau như người Việt Nam, không chỉ có người Việt Nam, mà trên thế giới dù màu da có khác nhau, suy cho cùng chỉ có 2 loại người: loại người áp bức, bóc lột và loại người đói khổ, bị áp bức, bóc lột. Những người bị áp bức, bóc lột đều mang trong mình một sức mạnh quật khởi, đều có khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc. Nhưng các dân tộc bị áp bức nói chung đều bế tắc đường lối cứu nước. Cho nên, muốn phát huy được tối đa sức mạnh tiềm tàng của những người bị áp bức, bóc lột, thì phải tìm con đường khác. Trong quá trình khảo nghiệm, nghiên cứu thực tế, nghiên cứu lý luận, Bác khẳng định: Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản và chỉ có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mới là con đường chân chính nhất để đi đến đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc.

Trong tư duy của Bác, thì độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để đi đến hạnh phúc của nhân dân. Tại Hội nghị Trung ương 8 năm 1941, Bác nói: “Lúc này, nếu độc lập dân tộc không giành được thì quyền lợi của giai cấp đến vạn năm cũng không giành được”. Cho nên, độc lập dân tộc là cái đầu tiên, là điều kiện tiên quyết để đi tới đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vì vậy, trước hết phải đấu tranh giành cho được độc lập, tự do.

Từ khát vọng mãnh liệt giải phóng dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam, từ khi Đảng ra đời, đến giành được chính quyền năm 1945, rồi tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng một cách sáng tạo, đã dẫn dắt và truyền cảm hứng, truyền nghị lực và quyết tâm cho cả dân tộc Việt Nam.

Thế Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây