Cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong với cách mạng Việt Nam

Thứ sáu - 01/04/2022 10:55
Lê Hồng Phong là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương sáng ngời của người cộng sản: sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thẻ dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh Hai An). Ảnh: T.L
Thẻ dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh Hai An). Ảnh: T.L

Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Chứng kiến phong trào đấu tranh của nhân dân ta bị kẻ thù đàn áp đẫm máu, đồng chí sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng cứu nước.

Năm 1923, Lê Hồng Phong cùng Phạm Hồng Thái bí mật sang Xiêm (Thái Lan), rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm con đường làm cách mạng và gia nhập tổ chức Tâm Tâm Xã. Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, trên cơ sở tổ chức Tâm Tâm Xã, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng. Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc phụ trách và trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin. Tháng 2/1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc; sau đó được cử sang Liên Xô học trường Lý luận quân sự không quân ở Lê-nin-grát và Trường đào tạo phi công quân sự ở Bô-rítx-gơ-lép-xcơ. Tháng 10/1928, đồng chí được cử học tại Trường Đại học Phương Đông (1928-1931) và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô.

Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) thất bại, địch khủng bố dã man, kéo dài, đẩy phong trào cách mạng Việt Nam vào giai đoạn vô cùng khó khăn. Cuối năm 1931, đồng chí Lê Hồng Phong nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản trở về nước chỉ đạo khôi phục và phát triển các cơ sở đảng. Sau chuyến đi dài ngày, vất vả và gian khổ, vượt qua mạng lưới mật thám dày đặc phong toả, đồng chí đã về đến gần biên giới Việt - Trung và bắt liên lạc được với tổ chức đảng tại Quảng Tây - Trung Quốc đầu năm 1932. Đồng chí quyết định mở lớp đào tạo cán bộ, để giải quyết vấn đề thiếu hụt cán bộ cho phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng chí quyết định chuyển về Long Châu (một thị trấn nhỏ sát biên giới Việt - Trung). Tại đây, đồng chí liên tục mở các lớp huấn luyện cho cán bộ từ trong nước sang học tập. Trong số những cán bộ được đào tạo, có những đồng chí trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng như:Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong, Lương Văn Chi... Những cán bộ sau khi được đào tạo, ngay lập tức được đưa về nước hoạt động. Nhờ vậy, các tổ chức đảng trong nước được khôi phục, nhất là đảng bộ của các tỉnh biên giới như: Cao Bằng, Lạng Sơn và đảng bộ của các thành phố lớn như: Hải Phòng, Hà Nội...

Đồng chí Lê Hồng Phong tham gia soạn thảo “Chương trình hành động của Đảng” và được Quốc tế Cộng sản thông qua. Cuối năm 1932, đồng chí chỉ đạo thành lập Ban lãnh đạo lâm thời của Đảng và thống nhất chủ trương tuyên truyền, học tập và hành động theo “Chương trình hành động của Đảng”.Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vì, trong lúc cách mạng Việt Nam bị khủng bố trắng, giữa lúc Đảng đang gặp thoái trào, những tư tưởng dao động, cơ hội, đang thừa cơ trỗi dậy, “Chương trình hành động của Đảng” như một luồng gió mới tiếp sức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng giữ được niềm tin vững chắc vào tiền đồ cách mạng, đẩy lùi tư tưởng cầu an, hoang mang dao động, tạo điều kiện cho việc khôi phục nhanh chóng hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng. Bản “Chương trình hành động của Đảng” đã được Lê Hồng Phong nhân bản đưa về nước làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nước. Đến cuối năm 1933, đồng chí đã hoàn thành trọng trách mà Quốc tế Cộng sản giao cho, xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước, khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với cách mạng. Các tổ chức Đảng trong nước dần dần hoạt động trở lại và ngày càng lớn mạnh, phong trào cách mạng hồi sinh.

Tháng 3/1934, đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài), có vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, do đồng chí làm Bí thư. Tại hội nghị, đồng chí chủ trì thảo luận về tình hình hoạt động của Đảng ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ...; đồng thời, thông qua Điều lệ của Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Nông hội đỏ... Sau Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Dựt được cử về Nam Kỳ chỉ đạo thành lập Xứ ủy Nam Kỳ.Với hoạt động tích cực, không mệt mỏi của Lê Hồng Phong, đã góp phần quan trọng duy trì niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, khẳng định sức sống mãnh liệt và vai trò lãnh đạo của Đảng, không một thế lực nào có thể dập tắt được. Đồng chí được mời dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản; được Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Không đủ chứng cớ để buộc tội, tòa án của đế quốc Pháp đành kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc ở Nghệ An. Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, mật thám Nam Kỳ đã ra Nghệ An bắt Lê Hồng Phong và áp giải vào giam giữ tại Sài Gòn. Gần 1 năm bị tra tấn, hành hạ, kẻ địch tìm mọi cách để khép đồng chí vào tội xử tử hình, nhưng không đủ chứng cứ. Mặc dù vậy, thực dân Pháp vẫn buộc tội đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần” cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo. Sau những trận đòn tàn ác, dã man đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh vào trưa ngày 6/9/1942.

Đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh khi mới 40 tuổi đời, trong đó có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng. Trước lúc đi xa, đồng chí còn căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Thái Văn Khởi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây