Lịch sử và ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Thứ sáu - 01/04/2022 10:43
Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.
Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: T.L
Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: T.L

Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải đấu tranh chống nhiều kẻ thù hung hãn, tạo nên những trang sử oai hùng. Các Vua Hùng là những người đầu tiên viết nên những trang sử ấy và truyền nối cho con cháu đến hôm nay và cả mai sau.

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ xưa đến nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, cả nước đều hướng về Đền Hùng ở Việt Trì, Phú Thọ để làm lễ dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên, nguồn cội. Trong tâm thức của người Việt Nam, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương luôn có vị thế đặc biệt, được lưu truyền, gìn giữ trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữa nước.

Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”. Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Kể từ đó, Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL - CTN ngày 18/2/1946 cho công chức, người lao động nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch, để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Hiện nay, nước ta có khoảng hơn 1.400 điểm thờ cúng Vua Hùng. Tại Kiên Giang, Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tọa lạc ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp. Mỗi năm, nơi đây đều tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương một cách trang trọng, thu hút hàng trăm lượt người tham gia hành hương bái tổ. Đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Đồng thời, cũng là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết một lòng, khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Minh Vy
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây