Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta

Thứ bảy - 02/07/2022 22:39
29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, 2 năm làm Tổng Bí thư, những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng ta một tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh cách mạng của một người lãnh đạo tài năng xuất sắc.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: TL
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: TL
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1927, 15 tuổi khi học ở Trường Bưởi, đồng chí hăng hái tham gia các hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; bị mật thám Pháp phát hiện và đuổi học
Cuối năm 1928, đồng chí được tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giới thiệu về hoạt động “vô sản hóa” ở mỏ than Vàng Danh. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được phân công làm cán bộ hoạt động chuyên nghiệp. Năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở Mạo Khê; sau đó phát triển tổ chức cơ sở đảng trên toàn vùng mỏ, thành lập Đặc khu ủy mỏ, ra tờ báo Than. Tại Hội nghị Trung ương tháng 9/1937, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (3/1938), đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là cán bộ lãnh đạo có năng lực tư duy lý luận sắc bén. Tuy chưa một lần ra nước ngoài, chưa được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cũng chưa được dự một lớp huấn luyện chính quy của Đảng, nhưng đồng chí tỏ rõ khả năng lý luận xuất sắc. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong những năm 1939-1940, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đã được giải quyết một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn, phù hợp với quy luật vận động khách quan.
Tại Hội nghị Trung ương 5 (tháng 3/1938), đồng chí Nguyễn Văn Cừ trình bày sáng kiến vận động thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ. Đây được coi là một bước đột phá trên cả phương diện lý luận và thực tiễn cách mạng. Từ sự phân tích khoa học, Đảng ta quyết định không áp dụng mô hình “Mặt trận bình dân” theo kiểu Cộng hòa Pháp, không vận dụng mô hình “Mặt trận dân tộc phản đế” của Trung Quốc, mà thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương để đoàn kết giai cấp công nhân, nông dân, thu hút đội ngũ trí thức và các lực lượng theo xu hướng cải cách dân chủ.
Để làm rõ và thống nhất trong toàn Đảng về quan điểm này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương”, trong đó đưa ra và giải thích một cách khoa học nhiều khái niệm và phạm trù mang tính lý luận như: “Thế nào gọi là tự do dân chủ?”, “Tự do dân chủ với dân tộc”, “Tự do dân chủ với giai cấp tư sản”, “Tự do dân chủ với giai cấp vô sản”... Để rồi đi đến kết luận: “Xứ Đông Dương hàng thế kỷ dưới chế độ phong kiến, rồi kế đến chế độ thuộc địa áp bức. Chính sách thuộc địa câu kết với tàn tích phong kiến để thống trị xứ Đông Dương, nên cư dân xứ này chưa được hưởng cái mùi tự do dân chủ của hiện đại, cho nên nhân dân Đông Dương muốn có tự do dân chủ thì phải đấu tranh”.
Nhưng đấu tranh bằng hình thức nào, đồng chí Nguyễn Văn Cừ khẳng định: “Căn cứ theo tình hình cụ thể đó, chúng ta có thể dùng phương pháp tranh đấu có tính chất hòa bình - là chính sách lập mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương để thực hiện những điều yêu cầu ấy”. Tác phẩm: “Các quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã luận giải được nhiều vấn đề lý luận cơ bản để trên cơ sở đó Đảng ta đưa ra những quyết sách chiến lược, sách lược trong thời kỳ Mặt trận thống nhất dân chủ.
Năm 1939, chủ nghĩa phát xít đe dọa tiến hành chiến tranh thế giới. Cùng với bọn thực dân Pháp ở Đông Dương lăm le trở mặt đàn áp phong trào dân chủ, một số phần tử tờ-rốt-xkít giả danh cách mạng cũng ra sức chống phá cộng sản. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ đạo tiến hành một cuộc đấu tranh sâu rộng trên mặt trận lý luận. Trước hết là, đấu tranh vạch rõ chân tướng của bọn tờ-rốt-xkít với giọng điệu “cách mạng đầu lưỡi” của chúng, chỉ ra nguyên tắc liên hiệp giữa Đảng Cộng sản với các đảng phái khác: “Sự liên hệ phải có nguyên tắc, chứ không phải liên hiệp với cả bọn phản động, bọn khiêu khích tờ-rốt-xkit, tay chân phát xít”; đối với bọn này: “Không thể có thỏa hiệp nào, nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”.
Tháng 6/l939, với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết và cho in cuốn “Tự chỉ trích”. Đây là một đóng góp quan trọng của đồng chí vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, một đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đã viết công khai: “Những người cộng sản có bổn phận nói sự thật cho quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi hay phỉnh phờ họ”. Và dù có sai lầm, có thất bại thì “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”.
Phê phán những khuynh hướng sai lầm “thiên tả”, hoặc “thiên hữu” của một số cán bộ, đảng viên; đồng chí yêu cầu Đảng phải “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ”. Tác phẩm “Tự chỉ trích” đã khái quát được những vấn đề tư tưởng lý luận hết sức sâu sắc mang tính thời đại và cho đến nay vẫn còn giá trị thời sự. Tác phẩm “Tự chỉ trích” đã thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng xuất sắc, đồng thời thể hiện chất trí tuệ sáng ngời của Đảng ta trong việc làm giàu thêm kho tàng lý luận học thuyết Mác - Lênin.
Dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng và dân tộc ta là rất to lớn. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược về lý luận xây dựng Đảng, một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng.
Thái Văn Khởi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây