Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Thứ tư - 07/06/2023 19:53
Từ những năm 60 thế kỉ XIX, Việt Nam đã xuất hiện một số tờ báo tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Các tờ báo này tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ, nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập tờ báo Thanh Niên, đây là dấu mốc đánh dấu sự hình thành của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Phóng viên tác nghiệp tại mô hình sản xuất, dịch vụ của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng. Ảnh: Tây Hồ
Phóng viên tác nghiệp tại mô hình sản xuất, dịch vụ của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng. Ảnh: Tây Hồ
Từ khi tờ báo “Thanh niên” ra đời, báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh...
Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.
Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Cũng trong năm đó, lần đầu tiên báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
98 năm qua, báo chí đã trở thành tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. Báo chí ở nước ta đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Việt Nam hiện có 815 cơ quan báo chí và khoảng 41.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Báo chí đã và đang góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, với mục tiêu xây dựng “nền báo chí, truyền thông cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2022, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đề ra 6 sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam:
Thứ nhất, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tuyên truyền và cách mạng.
Thứ hai, từ thực tiễn phong phú, phản ánh sinh động, có trọng tâm, trọng điểm, báo chí đi sâu vào những điểm mới, điểm khó, vùng sâu, vùng xa để đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Thứ ba, phát huy dân chủ kỷ cương, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích dân tộc, tôn vinh sự nhân văn, chân – thiện – mỹ, tôn vinh sự sáng tao của nhân dân ta trong thời kỳ mới, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thứ tư, nhận thức đầy đủ hơn về chức năng phản biện xã hội, đưa ý Đảng đến gần dân hơn; đồng thời, chống lại những tư tưởng sai trái, những suy thoái về tư tưởng, đạo đức... Mặt khác, báo chí cũng cần tỉnh táo, kiên định để thực hiện mục tiêu phản biện xã hội.
Thứ năm, báo chí cần tiếp tục thể hiện vai trò bảo vệ nền tảng tư tưởng xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ sáu, báo chí phải là lực lượng đồng hành, tiên phong hơn nữa trong nhiệm vụ tuyên truyền thông tin, đối ngoại.
Với những sứ mệnh lịch sử đó, báo chí cách mạng Việt Nam cần kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Đội ngũ nhà báo phải trung thành với mục đích và lý tưởng của Đảng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Minh Vy
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây