Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh

Thứ hai - 08/05/2023 10:36
Tháng 5 này có 1 ngày vô cùng đặc biệt và ý nghĩa đối với triệu triệu người Việt Nam, đó là ngày 19 tháng 5 - kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2023), lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch, năm 1957. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch, năm 1957. Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường cứu dân, cứu nước. Ngày 05 tháng 6 năm 1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên đường sang phương Tây, mang theo mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.
Gần 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản và nhiều nước thuộc địa. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, được sự phân công của Quốc tế Cộng sản lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Người, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đồng lòng, chung sức vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á. Đó là cuộc kháng chiến chống Pháp với trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những thắng lợi vĩ đại mang ý nghĩa bước ngoặt này là tiền đề quan trọng để đất nước tiến hành thành công cuộc đổi mới, không ngừng phát triển và mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc thương cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới. Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta; sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu; một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống sáng ngời.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã xác định tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (theo Chỉ thị 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW) gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", với thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm và các chỉ thị, nghị quyết khác của Đảng, với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải thật sự nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, gần dân, lắng nghe dân và có trách nhiệm với dân. Một tấm gương điển hình, một hành động gương mẫu có ý nghĩa hơn rất nhiều những lời giáo điều, sáo rỗng.
Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc, sự hy sinh to lớn của Người để mang lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kiểm điểm, đánh giá, biểu dương, khen thưởng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhớ Ngày sinh của Bác Hồ (19 tháng 5), chúng ta hãy cố gắng phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong muốn.
Thái Văn Khởi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây