Công đoàn Việt Nam phát huy truyền thống cách mạng, tích cực xây dựng và phát triển đất nước

Thứ năm - 06/07/2023 20:37
Cách đây 94 năm, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp, tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III, năm 1974. Ảnh: TTXVN.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III, năm 1974. Ảnh: TTXVN.
 
Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp lần thứ nhất (1897-1914), giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển nhanh chóng. Bị hai tầng áp bức, bóc lột, giai cấp công nhân Việt Nam đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Từ trong đấu tranh đã hình thành các tổ chức hội, như: Tương tế, Phường hội, Ái hữu, Nghiệp đoàn, Công Hội… Tiêu biểu là Công Hội Ba Son do Tôn Đức Thắng thành lập (1920) tại Sài Gòn. Mặc dù số lượng công hội còn ít nhưng những công hội đầu tiên này đã đặt nền móng cho phong trào công nhân và phong trào công đoàn Việt Nam.
Tháng 8/1925 tuần dương hạm Pháp Julex Michelet đã bị hỏng máy trên đường đến Trung Quốc trấn áp các cuộc cách mạng buộc phải ghé vào xưởng Ba Son để sửa chữa. Nhân cơ hội này đồng chí Tôn Đức Thắng đã tập hợp các thành viên Hội Ba Son bàn biện pháp tổ chức đấu tranh. Ban lãnh đạo đình công được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tôn Đức Thắng với mục đích giữ chân chiến hạm này nhằm làm phá sản kế hoạch đàn áp phong trào cách mạng thế giới. Cuộc bãi công nổ ra với sự tham gia của toàn bộ công nhân Ba Son với các yêu sách như tăng lương, nhận lại công nhân đã bị nghỉ việc trước đây, điều chỉnh thời gian làm việc… Sau gần 4 tháng đấu tranh bền bỉ, cuối cùng yêu sách của các công nhân cũng được chấp nhận một phần. Đây là cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên của công nhân Nam kỳ và công nhân cả nước, gây tiếng vang trong phong trào cách mạng vô sản và công nhân thế giới.
Từ năm 1928-1929, phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có một tổ chức Mác xít, một Đảng thực sự cách mạng của giai cấp công nhân có khả năng tập hợp, lãnh đạo công nhân đấu tranh giành độc lập. Tháng 3/1929, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội. Tiếp đến ngày 17/6/1929 Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập đại hội thành lập Tổng Công Hội đỏ Bắc kỳ vào ngày 28/7/1929 tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công Hội đỏ Bắc kỳ. Sự kiện này là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.
Chính vì ý nghĩa đó, theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có nhiều tên gọi khác nhau, tùy thuộc vào tình hình cách mạng, như: Công hội Đỏ (1929-1935); Nghiệp đoàn Ái Hữu, Hội công nhân phản đế, Hội công nhân cứu quốc (1935-1946); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (1946-1961); Tổng Công đoàn Việt Nam (1961-1988). Tháng 10/1988, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI được tổ chức; đây là đại hội đầu tiên của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn bước vào thời kỳ đổi mới. Đại hội đã đổi tên “Tổng Công đoàn Việt Nam” thành “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” cho đến nay.
Trải qua 94 năm, tổ chức Công đoàn đã tăng về số lượng, trưởng thành về chất lượng và khẳng định, phát huy vai trò, địa vị của mình trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, tổng số lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta có khoảng 24,5 triệu người, trong đó công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, chiếm tỉ lệ khoảng 14% số dân và 27% lực lượng lao động xã hội. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện. Số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ tiên tiến đã tăng lên. Hình thành lớp công nhân trẻ có trình độ học vấn, văn hóa, được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại, phương pháp làm việc ngày càng tiên tiến.
Công tác công đoàn và phong trào công nhân đã đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động. Công đoàn đã có những sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều chương trình hoạt động mới, như: Chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; xây dựng các thiết chế công đoàn, góp phần tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa… cho người lao động. Cùng hệ thống chính trị giải quyết những vụ, việc liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, quyền lợi, đời sống của công nhân, viên chức, người lao động. Tổ chức đối thoại, thương lượng thỏa ước lao động tập thể, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách và từng bước nâng cao phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. 
Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, người lao động đi đầu và thành công trong lao động sản xuất kinh doanh, khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam.
Minh Vy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây