93 năm chiến đấu và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ nhật - 05/02/2023 19:06
Cách đây vừa tròn 93 năm, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TL
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TL
Đây là sự kiện quan trọng, một mốc son lịch sử của Đảng và cách mạng Việt Nam, là sản phẩm của sự kết hợp của chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Từ đây, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu. Đánh giá ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.
Từ khi ra đời và trải qua quá trình đấu tranh gian khổ nhưng cũng đầy tự hào và vinh quang, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thời kỳ đầu là thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), đã diễn ra với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa như 3 cuộc tổng diễn tập để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền: Đó là cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh; kế đến là cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và cao trào giải phóng dân tộc, dẫn tới Cách mạng Tháng Tám thành công (1939-1945). Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một chiến công vang dội, đập tan ách thống trị của thực dân gần 100 năm, xóa bỏ chế độ thực dân và phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở ra thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh. Từ đó, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng là một thời kỳ rất khó khăn của cách mạng Việt Nam. Ngay từ giai đoạn đầu (1945-1946) với thách thức nặng nề, chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Từ năm 1954 đến năm 1975 là thời kỳ Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Ở thời kỳ này có mấy sự kiện không thể nào quên. Hất chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Một lần nữa, dân tộc ta lại phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân được nâng lên tầm cao khoa học và nghệ thuật, lần lượt đánh bại các chiến lược tàn bạo của kẻ thù như: Chiến lược thực hiện chủ nghĩa thực dân mới điển hình (1954-1960); Chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961-1964); Chiến lược chiến tranh cục bộ và cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1964-1968); Chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh và cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai (1968-1975), đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành toàn thắng, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thời kỳ tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước được thực hiện từ sau 30/4/1975: Giai đoạn đầu của thời kỳ này, Đảng ta chỉ đạo khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, đánh thắng cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật ban đầu. Từ Đại hội VI (1986), Đảng ta quyết định thực hiện sự nghiệp đổi mới, xác định đổi mới kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Các đại hội Đảng sau đó, Đảng ta tiếp tục phát triển tư duy lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, là Đại hội XIII của Đảng đầu năm 2021 là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Minh Thi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây