Huỳnh Tấn Phát - tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc

Chủ nhật - 05/02/2023 19:09
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, là tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn; nhà lãnh đạo cách mạng khôn khéo, trách nhiệm cao trước Đảng, nhân dân.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TL
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TL
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí liên tục được phân công đảm nhiệm công tác vận động quần chúng; vừa là người tổ chức, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp làm công tác phong trào. Tên tuổi đồng chí gắn liền với những phong trào vận động quần chúng yêu nước thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945 ở thành phố Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt từ khi ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí gắn bó với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở các thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, cùng với nhiều đồng chí khác như Tám Lựu, Hoàng Quốc Tân, Vũ Tùng... vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt gây dựng các phong trào đấu tranh chính trị như “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”... Ngay cả khi bị bắt, bị giam trong Khám Lớn Sài Gòn, gia đình gặp nhiều khó khăn, đồng chí vẫn kiên định lý tưởng, tuyệt đối tin tưởng cách mạng, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng như: tổ chức liên đoàn tù nhân, tổ chức lớp học, ra báo vận động tù nhân đấu tranh chống chế độ nhà tù tàn bạo, vận động tù nhân hướng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí nhận nhiệm vụ ở lại nội thành Sài Gòn hoạt động cách mạng, trên cương vị Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn phụ trách công tác vận động quần chúng. Mặc dù chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt phong trào yêu nước và cách mạng, đồng chí đã hoạt động không mệt mỏi, gây dựng được mạng lưới cơ sở trong giới trí thức và công nhân chính quyền Sài Gòn. Đây là nhân tố cốt cán trong phong trào đấu tranh của nhân dân Thành phố đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đòi thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước. Thời gian này, Ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí phụ trách đã tác động lớn đến sự hình thành của các phong trào nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định, các phong trào trong giáo giới nội đô, lực lượng quốc gia tiến bộ và sự hình thành lực lượng thứ ba, nhất là tổ chức liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch năm 1968… Các phong trào đô thị đã giáng cho địch một đòn chính trị chí tử, lột trần bản chất phi pháp, phi nhân, phi nghĩa của cuộc xâm lược và chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ. Và hơn thế, các phong trào đã củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc chung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mà đồng chí là một trong những thành viên chủ chốt, quy tụ mọi giới bằng uy tín và đức độ của mình.
Cùng với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những cống hiến nổi bật trong sự nghiệp tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến thắng lợi tại Sài Gòn - Gia Định và toàn miền Nam; có công lớn trong việc hình thành, củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; trong việc giúp đỡ để hình thành và hoạt động của liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam; trong điều hành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ sau khi thành lập đến khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được Đảng, nhân dân giao nhiều trọng trách về mặt nhà nước, đồng thời phụ trách công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tháng 2/1977, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch và đã góp sức với Đảng đoàn, Ban Thư ký xây dựng Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư, được xem như luồng gió mới làm thay đổi toàn diện công tác mặt trận. Đồng chí đã góp nhiều kinh nghiệm chuẩn bị nội dung, nhân sự mở rộng thêm nhân sự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 5/1983), đồng chí là người chỉ đạo trực tiếp các cấp mặt trận triển khai Chỉ thị 17-CT/TW; đồng chí đi khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc để phổ biến, quán triệt Chỉ thị và đề ra biện pháp củng cố tổ chức mặt trận cơ sở. Với sự nỗ lực của đồng chí và các thành viên trong Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW góp phần nâng cao vai trò của mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là một trong những nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp khôi phục đất nước sau chiến tranh cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả dân tộc đoàn kết, thống nhất bước vào sự nghiệp đổi mới. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, đồng chí luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc: dân tộc độc lập, nhân dân tự do, đất nước thống nhất và trọn vẹn lãnh thổ. Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Thái Văn Khởi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây