Ý nghĩa Hiệp định Paris đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Thứ tư - 04/01/2023 19:02
Cách đây 50 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chính thức được ký kết, đây là mốc son đánh dấu sự thắng lợi to lớn của quân và dân ta không những trên chiến trường mà còn là thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao, tạo ra bước ngoặt lịch sử, để quân và dân ta quyết tâm chung sức đồng lòng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris. Ảnh: TL
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris. Ảnh: TL
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết vào năm 1954, trong đó quy định sau 2 năm, thì hai miền Nam - Bắc Việt Nam sẽ tổ chức Tổng tuyển cử và thống nhất đất nước. Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn làm tổng thống của cái gọi là Việt Nam Cộng hòa. Từ đó, dưới sự hỗ trợ của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ra sức khủng bố dã man những người kháng chiến, dồn dân lập ấp chiến lược; thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, gây lòng hận thù, căm phẫn trên khắp miền Nam.
Năm 1968, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào đêm 30 Tết Mậu Thân. Đây là cuộc tiến công bất ngờ, táo bạo đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.
Mặc dù, sau nhiều phiên họp trong năm 1968 vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản, nhưng đã mở đầu cho một thời kỳ Việt Nam tiến công trực diện Mỹ về ngoại giao trên bàn hội nghị. Trong quá trình đấu tranh đó, ta luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc; hành động phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ của Mỹ; đòi Mỹ và quân chư hầu rút khỏi Việt Nam; chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc; từ bỏ ngụy quân Sài Gòn; đáp ứng lập trường của Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Trước quan điểm đúng đắn, thái độ kiên quyết của phái đoàn ta, cùng những thiệt hại nặng nề trên chiến trường và tình hình nước Mỹ trước ngày bầu cử tổng thống, ngày 1/11/1968, Johnson tuyên bố ngừng ném bom bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống phá ta, chấp nhận họp hội nghị Paris để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam. Ngày 25/1/1969, Hội nghị 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa họp phiên đầu tiên, dưới hình thức bàn tròn và đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam xếp ngang hàng với các đoàn đại biểu khác.
Cùng với đấu tranh trên bàn hội nghị, tại các chiến trường quân và dân ta luôn quyết tâm đấu tranh, tìm mọi cách giành thắng lợi về quân sự để lấy đó làm áp lực giành thắng lợi trên bàn đàm phán. Trong 2 năm (1971 - 1972), quân và dân ta liên tiếp giành thắng lợi trong các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc và Đông Nam Campuchia; cuộc tiến công Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Bình Định, Khu 8 Nam Bộ... Từ đó, làm cho quân Mỹ - ngụy bị thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đẩy Mỹ vào thế sa lầy, bị động, thất bại, tạo thế và lực cho ta trên bàn đàm phán ở Paris.
Đêm 18/12/1972, tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom hủy diệt miền Bắc bằng B52. Cuộc chiến được ví là “Trận Điện Biên Phủ trên không” kết thúc bằng việc 38 pháo đài bay B52 và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ bị bắn rơi ngay trên bầu trời Hà Nội. Thất bại này đã đẩy Mỹ vào thế thua không thể gượng nổi, buộc chúng phải chấp nhận nối lại đàm phán tại Paris.
Đến ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, với ý nghĩa hết sức quan trọng:
Thứ nhất, đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, việc ký Hiệp định Paris đã đạt hai yêu cầu cơ bản nhất: Một là, Mỹ rút toàn bộ, triệt để và nhanh chóng toàn quân xâm lược khỏi miền Nam, không được can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Hai là, ta vẫn duy trì được lực lượng quân sự, chính trị ở miền Nam, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền Nam tiếp tục tiến lên. Hiệp định Paris đã đánh dấu sự thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng trên chiến trường.
Thứ hai, Hiệp định Paris về Việt Nam đánh dấu sự thất bại của chính sách xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và cũng là thất bại thảm hại nhất trong lịch sử chiến tranh của nước Mỹ.
Thứ ba, với việc ký kết Hiệp định Paris, Đảng ta đã thể hiện rõ đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo của mình, làm thất bại những thủ đoạn gian ngoan, xảo quyệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đây là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn của Đảng ta.
Thứ tư, Hiệp định Paris về Việt Nam là thắng lợi của phong trào cộng sản quốc tế, của tình đoàn kết xã hội chủ nghĩa, của phong trào độc lập dân tộc và các lực lượng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.
Nguyễn Oanh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây