Trận phục kích tiêu diệt đại đội của tên Võ Văn Sang ác ôn

Thứ hai - 05/12/2022 19:11
Gần 58 năm trước, tại xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng đã diễn ra một trận đánh rất ý nghĩa, tiêu diệt tên Võ Văn Sang - một tên ác ôn khét tiếng khắp vùng, góp phần tạo ra bước ngoặt mới trong phong trào đánh giặc, giải phóng quê hương.
Quân ta bao vây, bắn tỉa tại phân chi khu Ngọc Chúc, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng. Ảnh: TL
Quân ta bao vây, bắn tỉa tại phân chi khu Ngọc Chúc, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng. Ảnh: TL
Đại đội biệt kích của Chi khu Kiên Bình (Giồng Riềng) có khoảng 130 tên, do Võ Văn Sang chỉ huy. Hầu hết sĩ quan, binh sĩ trong đại đội là bọn ác ôn, tự nguyện cầm súng làm tay sai cho giặc. Chỉ tính trong vòng 4 năm kể từ khi có Luật 10/59, đại đội này đã giết hại gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ và cơ sở cách mạng của ta, hàng trăm người bị chúng bắt bớ, tra tấn, hãm hiếp, tù đày và 500 căn nhà bị chúng đốt phá. Có những trường hợp chúng mổ bụng, lấy mật nuốt sống, moi gan để xào ăn nhậu, đối với phụ nữ thì xẻo vú, như trường hợp Anh hùng Liệt sĩ Mai Thị Nương (tức Hồng Hạnh). Với những “chiến tích” chống phá cách mạng, giết hại cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, tên Võ Văn Sang đại đội trưởng biệt kích được Mỹ - Ngụy tặng danh hiệu “anh dũng bội tinh” và được phong tặng danh hiệu “anh hùng thứ sáu”. Mặc dù bị cách mạng cảnh cáo nhiều lần, nhưng chúng vẫn ngoan cố dấn sâu vào con đường tội ác, phản nước, hại dân. Bằng nhiều thủ đoạn hết sức thâm độc như cưỡng ép, khống chế, kết hợp với mua chuộc dụ dỗ, chúng đã tổ chức được một mạng lưới gián điệp chỉ điểm đều khắp, từ xung quanh các đồn bót, chi khu đến tận vùng giải phóng của ta, nhất là trên địa bàn Giồng Riềng và một phần của huyện Tân Hiệp. Quy luật hoạt động của chúng thường là đánh biệt kích vào ban đêm hoặc theo nguồn tin của bọn gián điệp nằm vùng cung cấp. Ngoài ra, khi các đồn bót trong khu vực bị tấn công, đại đội biệt kích này thường được phái tới phản kích chiếm lại hoặc giải tỏa khỏi sự bao vây của ta.
Trước những tội ác tày trời đó, Đảng bộ và lực lượng vũ trang huyện Giồng Riềng lên phương án quyết tâm tiêu diệt đại đội biệt kích và tên Võ Văn Sang ác ôn. Vào giữa tháng 10/1963, tại nhà ông Chính Luân ở Diều Gà, Vĩnh Hòa Hưng, Gò Quao, một cuộc họp quan trọng để bàn phương án đánh bọn này đã diễn ra, gồm có: đồng chí Phan Thái Quý (Chín Quý) tỉnh đội trưởng, đồng chí Bùi Tấn Phương đại diện tiểu đoàn U Minh 10; huyện Giồng Riềng có đồng chí Nguyễn Văn Cẩn (Ba Hồ) Bí thư và đồng chí Tư Thắng huyện đội; phía huyện đội Gò Quao có đồng chí Cao Thành Giác (Hai Chánh) Chính trị viên và đồng chí Lê Quang Huyện đội trưởng. Cuộc họp này có mặt đồng chí Nguyễn Tấn Thanh (Chín Cửu) Bí thư Tỉnh ủy. Lực lượng tham gia trận đánh gồm có đại đội bộ binh I của tiểu đoàn U Minh 10, 1 trung đội địa phương quân Giồng Riềng do đồng chí Tám Sơn (huyện đội) và đồng chí Bảy Danh trung đội trưởng chỉ huy, 1 trung đội địa phương quân Gò Quao do đồng chí Ngô Long Ha (Chín Tuấn) huyện đội phó và đồng chí Huỳnh Văn Chi (Tám Chi) trung đội trưởng chỉ huy.
Để lôi kéo lực lượng địch, liên tiếp 2 ngày đêm 24 và 25/10/1963, ta sử dụng phương thức tác chiến “công đồn - đả viện”, ta sử dụng 1 tiểu đội địa phương quân Giồng Riềng kết hợp với du kích xã Ngọc Chúc bao vây, pháo kích đồn Cái Đuốc Lớn, du kích xã Ngọc Hòa đánh đồn Thác Lác. Đồng thời, ta huy động hơn 400 dân công thuộc 3 xã Ngọc Chúc, Ngọc Hòa và Hòa Thuận đào phá lộ, cắt đứt giao thông dịch giữa rạch Cái Đuốc và kinh xáng Thác Lác. Sau một ngày đêm bị ta bao vây, làm chết và bị thương một số tên, chỉ huy đồn Cái Đuốc liên tục điện về chi khu xin lực lượng đến giải tỏa. Nắm được tình hình địch đang hoang mang dao động, đêm 26 rạng sáng 27/10, ta tiếp tục dùng bộc phá đánh làm hỏng nhiều đoạn rào gai phía nam đồn Cái Đuốc, xiết chặt vòng vây xung quanh đồn và phát loa kêu gọi địch ra hàng. Cũng trong đêm 26, rạng sáng 27/10, các đơn vị tham chiến của ta tiếp cận và bố trí trận địa sẵn sàng chiến đấu.
Đúng như ý đồ của ta, lúc 4 giờ 30 phút, ngày 27/10, tổ trinh sát phát hiện địch từ Giồng Riềng kéo vào, đi trên lộ dày đặt. Đến 5 giờ 15 phút toàn bộ đội hình hành quân của địch với chiều dài gần 600m đã nằm gọn trước mũi chính diện của quân ta. Lúc này, bọn địch đi phía trước đột ngột dùng súng bắn vào đám vườn phía nam lộ để thăm dò lực lượng ta. Do ngộ nhận là lệnh nổ súng, nên trung đội 4 của đại đội bộ binh 1, U Minh 10 phục kích ở phía bắc mương lộ đã kịp thời ra lệnh cho chiến sĩ đồng loạt nổ súng. Kế tiếp trung đội 1, trung đội 2, trung đội 3 trên hướng chủ yếu cũng nổ súng mãnh liệt vào đội hình địch. Bám chắc vào bờ lộ và kinh mương dọc hai bên lộ đất, địch chống trả quyết liệt, chặn đứng các mũi tiến công của ta.
Để phá thế co cụm của địch, trung đội 3 lợi dụng các bờ ruộng, kinh mương bí mật vận động lên chiếm lộ đất, tạo bàn đạp từ phía sau đánh tới, kết hợp với trung đội 4 ở bộ phận chặn đầu tiến công từ hướng đông lên, dồn lực lượng địch vào khu vực quyết chiến điểm. Sau hơn 30 phút chiến đấu, một bộ phận lớn lực lượng địch bị ta bắn chết tại chỗ, còn lại khoảng 70 tên bỏ lộ rút chạy qua đồng về hướng nam để ra sông Cái Bé. Nắm vững thời cơ địch đang rối loạn, chỉ huy trung đội 4 ra lệnh cho đơn vị xung phong đánh tạc sườn bên trái của địch.
Trung đội 1 và trung đội 2 nhanh chóng vận động lên đánh chiếm lộ đất và tổ chức đánh truy đuổi theo quân địch rút chạy. Trung đội địa phương quân Giồng Riềng bố trí đội hình ở xóm Đập Đất, nổ súng đánh chặn địch trên đường rút chạy ra sông Cái Bé, buộc chúng phải quay lại thì đụng phải lực lượng đại đội bộ binh 1 từ phía sau đang xung phong lên. Địch bị kẹp giữa làn đạn của ta, tên Võ Văn Sang và một số tên khác trúng đạn gục chết giữa đồng. Đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, bọn địch liền quay lại bám vào lộ đất cầm cự với ta. Địch tập trung hỏa lực đánh phá mở đường máu rút chạy, hơn 40 tên còn lại liều mạng tràn lên vượt qua trận địa chốt của quân ta để rút chạy về chi khu Kiên Bình. Trung đội địa phương quân Gò Quao lập tức dùng hai tiểu đội vận động ra chặn đầu kết hợp với một bộ phận của trung đội 1, 2 và 3 của đại đội bộ binh 1 đánh truy đuổi từ phía sau. Trận đánh giáp lá cà giữa ta và địch diễn ra hết sức ác liệt. Chiến sĩ ta dùng súng trường tiểu liên K50 bắn găm, bắn gần, kết hợp dùng lê K44 đâm hết tên địch này đến tên địch khác. Nhiều đồng chí không kịp giương lê đã quay báng súng lại đánh vào đầu quân địch.
Đến 7 giờ 40 phút, ta làm chủ trận địa, đến 8 giờ, các trung đội thu chiến lợi phẩm và vận chuyển thương binh, tử sĩ về bờ sông Cái Bé để rút về vị trí đã định. Sau hơn 2 giờ chiến đấu ác liệt, ta đã tiêu diệt gọn đại đội biệt kích ác ôn thuộc chi khu Kiên Bình, giết chết tại chỗ 114 tên, trong đó có tên Võ Văn Sang, đại đội trưởng, bắt sống 4 tên, thu 94 súng các loại (có 1 súng cối 60 li, 1 đại liên, 6 trung liên, 18 ga-răng, 67 cạc bin, 1 máy thông tin PRC); phía ta hy sinh 26 đồng chí, bị thương 32 đồng chí, trong đó có đồng chí Ngô Long Ha (Chín Tuấn) huyện đội phó Gò Quao.
Tuy có một số thiếu sót và thiệt hại, nhưng trận “công đồn - đả viện” tại Cái Đuốc, Ngọc Chúc, Giồng Riềng đã thể hiện được tinh thần, ý chí, quyết tâm cao, chọn trận địa phục kích táo bạo, bất ngờ, chỉ cách chi khu Kiên Bình chừng 3000m. Đặc biệt, là đã tiêu diệt được đại đội biệt kích và tên Võ Văn Sang ác ôn khét tiếng, làm nức lòng nhân dân trong khu vực.
Thiện Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây