Ngày Nam Bộ kháng chiến mãi là một mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc

Thứ sáu - 02/09/2022 19:18
Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam Bộ phải tiếp tục cầm súng chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.
Chợ Bến Thành trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ngày 23/9/1945. Ảnh: TL
Chợ Bến Thành trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ngày 23/9/1945. Ảnh: TL
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần hai. Quân, dân Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ. Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập hội nghị, thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tiêu biểu cho tinh thần “độc lập hay là chết” là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23/9/1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ.
Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thành lập 4 mặt trận ở ngoại thành Sài Gòn. Chúng ta vừa bố trí lực lượng chốt giữ các cầu chính để vây địch trong nội thành, vừa triển khai lực lượng tiến vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi địch đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của chúng rồi nhanh chóng rút lui. Mọi tầng lớp nhân dân đều tích cực tham gia cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngã đường. Nhân dân Sài Gòn còn triệt để thực hiện tổng đình công; nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ đóng cửa, xe điện ngưng chạy... Với tinh thần “độc lập hay là chết”, đồng bào Nam Bộ đã quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo điều kiện để quân,dân ta bước vào giai đoạn toàn quốc kháng chiến.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân, dân ta trong những ngày đầu ở Nam Bộ có ý nghĩa rất to lớn, đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Ghi nhận, biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu: “Thành đồng Tổ quốc”. Nhân dịp 100 ngày kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen ngợi: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công.”
Ngày 23/9 đã đi vào lịch sử là “Ngày Nam Bộ kháng chiến”, mở đầu cho cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của nhân dân ta. Tinh thần “Ngày Nam Bộ kháng chiến” đã cổ vũ, động viên nhân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” lập lại hòa bình ở miền Bắc, sau đó là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, tinh thần “Ngày Nam Bộ kháng chiến” tiếp tuc là động lực to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thái Văn Khởi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây