Lịch sử Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Thứ năm - 03/11/2022 09:28
Để tri ân, tôn vinh những người làm công tác trồng người, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai giảng năm học 2022-2023, tại Trường Tiểu học Hồng Bàng, thành phố Rạch Giá. Ảnh: Bích Tuyền
Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai giảng năm học 2022-2023, tại Trường Tiểu học Hồng Bàng, thành phố Rạch Giá. Ảnh: Bích Tuyền
Tháng 7/1946, cách đây 76 năm, một tổ chức quốc tế gồm các nhà giáo tiến bộ đã được thành lập ở Paris, Thủ đô nước Pháp, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục. Đến nǎm 1949, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã tổ chức hội nghị tại Vacsxava, Thủ đô nước Ba Lan, ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương với nội dung, chủ yếu là đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến. Từ đó, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học; đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo, nhất là nêu cao trách nhiệm, vị trí nghề dạy học và những người dạy học.
Ở Việt Nam, ngày 22/7/1951, tại chiến khu Việt Bắc, Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thành lập. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục nhằm tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu, tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam được kết nạp vào Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục. Đến năm 1957, hội nghị do Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục tổ chức gồm 57 nước tham dự trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Năm 1958, mặc dù đất nước ta vẫn còn chiến tranh, chia cắt, nhưng ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 vẫn được tổ chức, không những tại Hà Nội mà còn diễn ra nhiều nơi, ở khắp các trường học từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo phía Bắc và một số vùng được giải phóng ở miền Nam. Nhiều thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Bắc và miền Nam gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, với lời hứa quyết tâm học tập, rèn luyện, nâng cao giác ngộ cách mạng xã hội chủ nghĩa, ý thức đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa. Nhiều lá thư bày tỏ lòng sôi sục căm thù Mỹ - Diệm phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, cố tình chia cắt lâu dài nước ta. Đồng thời, ủng hộ phong trào đấu tranh của giáo giới, học sinh, sinh viên; mong muốn thực hiện một nền giáo dục dân tộc; đấu tranh chống mọi cuộc đàn áp, bắt bớ, tù đày, sát hại những nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu nước tại miền Nam và kiên quyết đấu tranh nhằm đem lại hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà.
Khi đất nước thống nhất, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982, quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó đến nay, hàng năm, cứ đến ngày 20/11, khắp mọi miền đất nước đều tổ chức lễ tri ân, bày tỏ lòng biết ơn đến thầy cô, những người đã và đang cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sứ mệnh trồng người.
Nguyễn Oanh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây