Đồng chí Võ Văn Ngân - người cán bộ tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Thứ hai - 03/10/2022 14:57
Là một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên ở tỉnh Long An, cuộc đời cách mạng của đồng chí Võ Văn Ngân gắn liền với những dấu ấn đầy tự hào, là tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, mẫu mực, bất khuất; người cán bộ tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Đồng chí Võ Văn Ngân. Ảnh: TL
Đồng chí Võ Văn Ngân. Ảnh: TL
Đồng chí Võ Văn Ngân, sinh năm 1902, ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn xưa (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Từ nhỏ, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đồng bào sống cơ cực, lầm than dưới ách quân xâm lược; đồng chí sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân sâu sắc. Năm 1929, đồng chí tham gia thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở làng Đức Hòa. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí là đảng viên Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn, lập vào ngày 6/3/1930 tại làng Đức Hòa.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thực dân Pháp dùng mọi kế sách, thủ đoạn hòng tiêu diệt các tổ chức cộng sản, tiêu diệt lớp đảng viên đầu tiên của Đảng; mưu toan mau chóng dập tắt phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Lúc này, nhiều đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Định sa vào tay địch. Để tiếp tục duy trì phong trào, đồng chí tìm mọi cách móc nối, khôi phục lại các cơ sở đã bị phá vỡ, tổ chức tái lập lại tỉnh Gia Định. Giữa năm 1931, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Đảng bộ tỉnh Gia Định đã giương cao ngọn cờ chống khủng bố, áp bức bóc lột của đế quốc thực dân; ủng hộ, bênh vực những người lao động cần lao; xây dựng phát triển cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng ở các địa phương. Đặc biệt ở xã Bà Điểm, tổ chức Nông hội đỏ được củng cố, phát triển khắp khu vực Mười Tám thôn Vườn Trầu...; các đảng viên dựa vào mối quan hệ dòng họ, gia đình để tuyên truyền giới thiệu quần chúng cho chi bộ xem xét kết nạp nhằm tăng thêm số lượng đảng viên cho Đảng.
Cuối năm 1932, trước sự khủng bố của địch, hầu hết các địa phương ở Nam Kỳ không còn tổ chức đảng, chỉ riêng ở Đức Hòa, Càng Long, Long Xuyên... là còn duy trì hoạt động tổ chức đảng. Trước tình hình đó, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, đồng chí đã chắp nối, từng bước gây dựng phong trào và cơ sở cách mạng. Đồng thời, bám sát chủ trương của Đảng, tranh thủ những điều kiện để hoạt động công khai; chỉ đạo đưa cán bộ, đảng viên tham gia tranh cử Hội đồng thành phố Sài Gòn năm 1933 cùng Đảng Lập hiến và một số đảng phái khác. Ngày 30/4/1933, ứng cử viên công nhân đã giành thắng lợi, một số người được vào Hội đồng thành phố, thuận lợi trong việc bênh vực người lao động, vạch mặt bọn lừa bịp của chính sách thực dân. Nhờ sự hoạt động tích cực, có hiệu quả của Tỉnh ủy Chợ Lớn do đồng chí đứng đầu, phong trào cách mạng ở Chợ Lớn cuối năm 1934, đầu năm 1935 được khôi phục và có chiều hướng phát triển. Hệ thống tổ chức đảng từ tỉnh xuống cơ sở được gây dựng và củng cố. Lực lượng cách mạng gồm nhiều giai cấp, giai tầng của đô thị đã nhanh chóng phát triển cả số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đồng chí rất chú trọng đến công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, kinh nghiệm đấu tranh trên các diễn đàn báo chí; trong đó có tờ báo Búa Liềm ở Chợ Lớn đã góp phần quan trọng vào tuyên truyền đấu tranh của Đảng bộ.
Trên cương vị Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I), Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ,đồng chí chỉ đạo các tổ chức đảng bám sát tình hình, thường xuyên làm công tác vận động, lôi cuốn quần chúng tham gia cuộc vận động dân chủ, tham gia ủy ban hành động, cùng với phong trào Đông Dương Đại hội, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đòi các quyền dân sinh, dân chủ được đẩy mạnh và diễn ra ở hầu hết các tỉnh Nam Kỳ, đặc biệt là ở thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn. Đồng chí luôn chú trọng xây dựng các tổ chức Hội, nhất là tổ chức Công hội; xây dựng tổ chức Đảng trong các cơ sở công nghiệp như Ba Son Sài Gòn, đồn điền cao su, xe lửa; chú trọng công tác tuyên truyền trong các phong trào công nhân.
Vì vậy, phong trào công nhân Nam Kỳ có sự chuyển biến rõ rệt từ tự phát sang tự giác. Đặc biệt là, đồng chí đã bắt tay vào công tác với tinh thần khí thế mới của Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Thời kỳ này ở Nam Kỳ, địch vẫn ráo riết lùng sục, một số xứ ủy viên, thành ủy viên tiếp tục bị bắt, đồng chí phải tạm thời cho dời trụ sở Xứ ủy ở thành phố Sài Gòn về Bà Điểm (Hóc Môn-Gia Định), nơi cơ sở đã được xây dựng từ lâu, có quần chúng cách mạng vững vàng để công tác bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng được thuận lợi và chu đáo. Trong 2 năm 1934-1935, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân lao động đã có sự phát triển mạnh hơn thời kỳ trước, tiêu biểu là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.
Với 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có những cống hiến rất to lớn cho Đảng, cách mạng nước ta, để lại tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Ngân, chúng ta nguyện noi gương đồng chí, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu, góp phần đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để sớm thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thái Văn Khởi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây