Tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam

Thứ năm - 03/11/2022 09:25
Cách đây 105 năm (7/11/1917-7/11/2022), Cách mạng Tháng Mười Nga, đã nổ ra và thành công rực rỡ dưới sự lãnh đạo của Lênin và Đảng Bôn-sê-vích. Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng, một sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc son, một bước ngoặt lịch sử phát triển của nhân loại. Nó đã xóa bỏ các giai cấp bóc lột, tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người; đưa giai cấp vô sản bị áp bức bóc lột thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội.
Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: TL
Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: TL
Cách mạng Tháng Mười Nga, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đã lôi cuốn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của những nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh, trong đó có Việt Nam.
Đầu thế kỷ XX, mặc dù Việt Nam có nhiều nhà yêu nước đứng lên tập hợp lực lượng để chống lại bọn thực dân, phong kiến nhưng đều thất bại, vì chưa đưa ra được con đường giải phóng dân tộc. Chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc, sau gần 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đã tiếp cận được tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười và học thuyết của Lênin, đặc biệt là sau khi đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, thì Người cho rằng đây là cái cần thiết mà Người đi tìm. Luận cương đã giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam.
Trên cơ sở Luận cương của Lênin, năm 1927 Nguyễn Ái Quốc viết và tập hợp thành tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Người chỉ rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười – con đường duy nhất đúng đắn, cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thật sự”.
Từ tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.
Có thể khẳng định rằng, khi đến với Luận cương của Lênin đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người kỳ công. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến nhận thức rõ ràng về con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại.
Dưới ánh sáng soi đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, với đường lối đúng đắn, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại.
Mỗi khi nói tới ảnh hưởng và tác động của Cách mạng Tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam, không thể không kể đến chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô trong cuộc đánh bại quân đội Quang Đông, buộc Chính phủ quân phiệt Nhật đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15/8/1941, tạo tiền đề rất quan trọng cho nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tháng 3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chuyến thăm bí mật tới Liên Xô. Trong chuyến thăm này, Chính phủ Liên Xô đã cam kết giúp đỡ toàn diện cho Việt Nam, trong đó có viện trợ nhiều loại vũ khí trang bị chủ chốt. Chính những loại vũ khí do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác viện trợ đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Sau kháng chiến chống Pháp, Liên Xô vừa giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình công nghiệp quân sự và dân dụng, vừa nhận đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn chuyên gia và công nhân thuộc nhiều lĩnh vực. Đồng thời, đưa cố vấn quân sự sang giúp Việt Nam xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên Xô đã chuyển thành hợp tác cùng có lợi, nhưng Liên Xô vẫn tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các khoản viện trợ kinh tế lớn...
Kế thừa những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, Việt Nam kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội diễn ra rất phức tạp. Chủ nghĩa xã hội đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội VI của Đảng (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trên nguyên tắc: Đổi mới trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội...
Hơn 92 năm theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 92 năm qua sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó, tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Thiện Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây