Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược

Thứ năm - 03/11/2022 09:47
86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những công hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Cả cuộc đời, đồng chí luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn, là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, luôn sống trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: TL
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: TL
Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa (bí danh Sáu Dân), sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1938, đồng chí tham gia cách mạng. Tháng11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 11/1940, đồng chí được cử làm bí thư chi bộ xã Trung Hiệp, huyện ủy viên huyện Vũng Liêm và tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí được điều động về hoạt động tại vùng U Minh thuộc tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang).
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, kiên cường bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu và ác liệt nhất, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, đánh thắng mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày thống nhất, đất nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, rồi Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, dù ở cương vị nào đồng chí luôn cùng Trung ương, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng chí luôn lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và tự mình bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm tích lũy từ cuộc sống của mọi tầng lớp Nhân dân. Chính vì vậy, khi vận dụng vào thực tiễn, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã nhận được sự đồng thuận “ý Đảng, lòng dân”; phát huy hiệu quả, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới của đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đồng chí được đánh giá là vị Thủ tướng có tinh thần đổi mới mạnh mẽ, là vị “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới.
Từ năm 1988, với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Phó thủ tướng), đồng chí đã có những quyết đoán cho chủ trương thực hiện chương trình 10 năm đầu tư khai phá vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau. Đây là vùng đất vốn bị nhiễm phèn, mặn, nhờ được cải tạo mà trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú, phát triển mạnh về nông nghiệp - thủy sản.
Năm 1992, trên cương vị Thủ tướng, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng công trình đường dây tải điện Bắc - Nam, với tổng chiều dài 1.487 km. Đây là hệ thống tải điện với đường dây siêu cao áp 500 kV đầu tiên ở Việt Nam, chuyển tải năng lượng từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Tuyến đường dây sau khi hoàn thành đã giúp khắc phục tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại miền Nam, tạo sức bật cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nói chung, làm cho nơi đây trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Năm 1993, đồng chí ký Quyết định xây dựng con đường Trường Sơn, chia sẻ mật độ phương tiện lưu thông cho Quốc lộ 1A vốn thường xuyên bị lũ lụt ngăn trở. 7 năm sau, từ quyết định của người tiền nhiệm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh. Cũng trong năm này, đồng chí Võ Văn Kiệt ký Nghị định thành lập Đại học Quốc gia, chủ trương xã hội hóa giáo dục. Sự ra đời của hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện loại trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Bên cạnh đó, đồng chí còn ký Quyết định xây dựng công trình đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài mở rộng cho cửa ngõ thủ đô Hà Nội; chủ trương mở con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc giúp cả phía Tây của Hà Nội phát triển mạnh và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Hòa Lạc chỉ còn 30 phút, nhanh hơn đi trong nội thành vào giờ cao điểm... Những công trình này nói lên tâm huyết, những nỗ lực phi thường của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, để lại “dấu ấn Võ Văn Kiệt” góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đồng thời thể hiện tầm nhìn, trí tuệ của một nhà lãnh đạo xuất sắc.
86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, đồng chí đã có những công hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Cả cuộc đời, đồng chí luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; một người cộng sản chân chính với trái tim nhân hậu mãi mãi trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị, tư duy sáng tạo và gần dân của đồng chí Võ Văn Kiệt, chúng ta nguyện nêu cao ý chí cách mạng, đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng, ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Thái Khởi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây