Một số kết quả nổi bật của phong trào nông dân của huyện An Minh

Thứ ba - 07/05/2024 20:36
Thời gian qua, phong trào của các cấp hội nông dân huyện An Minh được tổ chức triển khai thực hiện khá tốt, đạt nhiều kết quả tích cực. Ba phong trào thi đua lớn của Hội tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Việc liên kết giữa hội viên nông dân với doanh nghiệp và tổ chức Hội được tăng cường, đạt hiệu quả thiết thực.
Hợp tác xã Tân Huy, xã Đông Hưng A, thu hoạch tôm thẻ chân trắng.
Hợp tác xã Tân Huy, xã Đông Hưng A, thu hoạch tôm thẻ chân trắng.

Các cấp Hội đã tập trung triển khai, tuyên truyền, phát động trong cán bộ, hội viên, nông dân chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Hội. Tăng cường vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh và giảm nghèo bền vững. Trong đó, các cấp hội đã đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; vận động trên 17.200 hộ đăng ký danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh được quan tâm. Năm qua, tổ chức hội đã giải ngân từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền trên 1,3 tỷ đồng cho 6 dự án, 62 hộ; tổ chức 2 lớp nghề nuôi tôm càng xanh và tôm cua lúa tại 2 xã Vân Khánh Tây và Đông Thạnh; phối hợp mở 8 lớp nghề nông nghiệp và 3 lớp phi nông nghiệp cho 335 học viên; 3 lớp tập huấn nuôi tôm 2 giai đoạn với 65 lượt người tham dự...
Công tác vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, được thực hiện tích cực. Năm 2023, tổ chức hội đã thành lập mới 10 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã, đưa tổng số tổ hợp tác của huyện lên 167 với 2.461 thành viên; 60 hợp tác xã, với 1.029 thành viên, trong đó có 59 hợp tác xã nông nghiệp, 1 hợp tác xã giao thông vận tải. Các tổ hợp tác, hợp tác xã bước đầu hoạt động tương đối ổn định, một số hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho hội viên, nông dân vềbảo vệ môi trường trong sinh hoạt và sản xuất, phòng, chống các tệ nạn xã hội chưa thường xuyên. Một số nơi việc nắm bắt tình hình nông nghiệp, nông dân còn hạn chế; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phát hiện những bức xúc, khó khăn về đời sống, về tiêu thụ nông sản, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Hội cấp trên chưa kịp thời.
Để thực hiện tốt các phong trào nông dân, các cấp hội nông dân huyện An Minh cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền nhằm phổ biến kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của Hội đến hội viên nông dân.
Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đi vào chiều sâu và hiệu quả. Xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, giá trị cao. Vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp các hộ nghèo về kỹ thuật, giống, vốn, vật tư và kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ có hiệu quả đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Các cấp Hội nắm chặt tình hình hội viên nông dân nghèo để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ vươn lên thoát nghèo.
Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, xây dựng phát triển chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp Hội tổ chức học tập và nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả như Tôm – lúa bền vững; các mô h́ình nuôi rắn, tôm càng xanh, lươn không bùn, trồng màu... Mỗi cơ sở phối hợp với các ngành, các cấp vận động đăng ký thực hiện 1 sản phẩm OCOP.
Vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Phối hợp với các ban, ngành địa phương tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, tính chủ động trong cán bộ, hội viên và nhân dân cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu cuối năm, mỗi xã, thị trấn có 1 công trình tham gia xây dựng nông thôn mới, 1 công trình tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương.
Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Vận động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân. Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm giới thiệu các sản phẩm như: vật tư nông nghiệp, các loại lúa giống, các loại tôm giống có chất lượng cao, các doanh nghiệp... cho hội viên, nông dân tiếp cận. Chủ động và phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đối tượng hội viên, nông dân, phối hợp tham gia các điểm trình diễn, hội thảo, các mô hình phát triển kinh tế...
Minh Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây