Tại xã Kiên Bình, diện tích trồng khoai môn được tập trung nhiều nhất thuộc khu vực ấp Kiên Thanh. Mô hình trồng khoai môn trên nền đất lúa đã xuất hiện từ năm 2007 nhưng chỉ một vài hộ dân có ít đất canh tác thực hiện. Gần 3 năm trở lại đây, diện tích trồng khoai môn bắt đầu được các hộ dân mở rộng dần. Hiện trên địa bàn có trên 72 ha trồng theo hình thức luân canh một vụ lúa, một vụ khoai môn.
Vụ khoai môn được trồng vào tháng 7 hàng năm, giống là loại môn cao được thương lái ưa chuộng. Trong quá trình canh tác chủ yếu sử dụng phân hữu cơ vi sinh để hạn chế dịch bệnh. Nhờ canh tác luân phiên hai giống cây trồng này mà nông dân giảm được lượng phân bón, giúp cây trồng phát triển, đồng thời giảm sâu bệnh và lúa cỏ.
Anh Trần Thiên Sơn, ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình cho biết: Trồng khoai môn thì cũng có khó khăn, như trồng môn mà đất ướt thì không tốt được. Nhưng nói chung, khoai môn mình trồng ở vùng đất Kiên Bình thì ít hư hơn so với vùng ngoài, để ở đây thì khoảng 8-9 tháng vẫn thu hoạch được, vì mình thực hiện luân canh. Qua vụ lúa, gốc rạ làm đất tơi xốp, mình trồng môn sẽ đạt kết quả cao hơn trồng liên tục. Mình làm khoảng 5ha, số lượng thu hoạch khoảng 40 tấn/ha, giá cả dao động 14.000đ - 15.000đ/kg.
Để khắc phục nỗi lo về giá cả thị trường tiêu thụ cũng như hướng đến phát triển bền vững, xã Kiên Bình đã thành lập Hợp tác xã một vụ lúa, một vụ môn Tiến Phương, có 10 thành viên tham gia. Bước đầu đã tạo sự liên kết để các thành viên hỗ trợ nhau trong canh tác sản xuất, chia giai đoạn để thu hoạch, đảm bảo không ồ ạt sản lượng hay đứt gãy nguồn cung cho thương lái. Qua đó, tạo điều kiện cho các xã viên giảm chi phí canh tác trong thuê mướn cơ giới và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, xã Kiên Bình đã có hơn 30ha trồng khoai môn được tỉnh Kiên Giang cấp mã số vùng trồng. Đây được xem là giải pháp căn cơ hướng đến xuất khẩu cho sản phẩm này.
Anh Trần Quang Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Phương nói: Mã vùng trồng này cũng là một bước để nông dân mình chuẩn bị, nếu được sẽ xúc tiến xuất khẩu, vì bây giờ muốn xuất khẩu cũng cần phải có nguồn gốc. Hợp tác xã của chúng tôi 10 thành viên thì có 5 thành viên đã đăng ký. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành vận động anh em đăng ký về mã số vùng trồng này.
Luân canh khoai môn trên nền đất lúa đang là hướng phát triển kinh tế bền vững góp phần tăng năng suất, lợi nhuận cho bà con. Đây sẽ là mô hình chuyển đổi giống cây trồng phù hợp đặc trưng của xã Kiên Bình để thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Thúy Tài