Những điều cần lưu ý khi nuôi tôm - lúa và tôm quảng canh cải tiến

Thứ sáu - 08/12/2023 09:42
Trước tình hình thời tiết có nhiều bất lợi, ảnh hưởng đáng kể đến quá trình chăm sóc và phát triển tôm nuôi, nhất là tôm lúa và tôm quảng canh cải tiến. Vì vậy, người nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật ứng phó với điều kiện bất lợi nói trên, nhằm hạn chế rủi ro và tránh thiệt hại đến mức thấp nhất.
Người nuôi cần chọn tôm giống có chất lượng để hạn chế các thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ảnh: TL
Người nuôi cần chọn tôm giống có chất lượng để hạn chế các thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ảnh: TL
 
1. Thiết kế công trình nuôi hợp lý
Do đặc thù của loại hình nuôi tôm – lúa là sử dụng ruộng trồng lúa để nuôi tôm, nên việc thiết kế công trình ở nhiều nơi chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; phần lớn bờ bao nhỏ, khả năng giữ nước kém (loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng gặp tình trạng tương tự). Điều này gây khó khăn trong việc ổn định nhiệt độ nước trong ruộng nuôi tôm. Vì vậy, công trình nuôi cần được thiết kế hợp lý, nhất là mương bao và bờ bao là hai yếu tố cần được quan tâm.
- Đối với mương bao: Mương bao đóng vai trò rất quan trọng, vừa giúp ích cho mọi hoạt động của tôm, vừa giúp hạn chế sự thay đổi lớn của các yếu tố môi trường (nhất là nhiệt độ) trong ngày. Vì vậy, việc đào mương bao phải tính đến tỷ lệ diện tích mương so với ruộng (thích hợp khoảng 20 - 30%); độ sâu từ 0,8 - 1,0 m (sâu quá sẽ dễ bị xì phèn và tích tụ khí độc không tốt cho tôm); độ rộng khoảng 3,0 - 4,0 m. Nếu diện tích ruộng quá rộng (> 2 ha), thì cần đào một vài mương phụ ở giữa thông với mương chính để tôm có nhiều không gian hoạt động.
- Đối với bờ bao: Phải giữ nước tốt, không rò rỉ hay thẩm lậu; đảm bảo chắc chắn. Bờ cần được đắp cao sao cho mực nước trên trảng thường xuyên không dưới 0,5 m. Với mực nước này, nếu gây màu tốt sẽ giúp ổn định các yếu tố môi trường (nhất là nhiệt độ, pH...) và hạn chế việc sinh tảo đáy (gây ô nhiễm, hạn chế không gian sống của tôm) mà người nuôi rất hay gặp phải. Nếu có điều kiện nên thi công làm bờ bao bằng cơ giới sẽ tốt hơn.
2. Chọn thả con giống chất lượng
Tôm giống phải được chọn mua ở những cơ sở sản xuất (hoặc ương vèo) uy tín, có địa chỉ rõ ràng và có giấy kiểm dịch theo từng lô (bể) riêng biệt. Không nên thả con giống giá rẻ, trôi nổi và phải đặc biệt lưu ý tình trạng tôm kém chất lượng nhưng được đóng thùng bắt mắt, bán với giá cao nhằm đánh vào tâm lý người dân. Để chọn con giống đảm bảo chất lượng, người nuôi cần gửi mẫu đến trạm chăn nuôi và thú y huyện hoặc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xét nghiệm miễn phí trước khi mua, tránh thả đàn giống có mang các mầm bệnh nguy hiểm (đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp, bệnh còi...), gây thiệt hại kinh tế và bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.
3. Cần bố trí ao vèo
Thứ nhất, dùng để vèo tôm ở giai đoạn đầu trước khi thả ra môi trường ruộng bên ngoài. Tôm còn nhỏ (mới xuất trại) chưa thích nghi với điều kiện sống rộng lớn của ruộng nuôi, địch hại trong nước lúc này còn nhiều, nếu thả ngay ra ruộng thì tôm rất dễ hao hụt. Vì vậy, tôm nên được vèo với mật độ khoảng 50 - 100 con/m2 trong thời gian từ 15 - 30 ngày (tùy điều kiện) trước khi “bung” ra ngoài để có điều kiện chăm sóc tôm tốt hơn, cũng như để dễ kiểm soát môi trường, tình hình sức khỏe, địch hại và tỷ lệ sống của tôm trong thời gian đầu. Bằng cách này, người dân có thể thả 2 - 3 đợt giống (mỗi đợt cách nhau 45 - 60 ngày) trong cùng một vụ mà vẫn kiểm soát tốt ruộng nuôi.
Thứ hai, vào những thời điểm nắng nóng kéo dài hoặc trong vùng nuôi có xảy ra dịch bệnh, việc lấy nước bên ngoài cấp trực tiếp vào ruộng nuôi sẽ rất khó khăn và nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu có ao vèo thì sử dụng ao này như là ao chứa để xử lý nước (điều chỉnh các yếu tố môi trường hoặc sát trùng) trước khi cấp cho ruộng nuôi, khắc phục được tình trạng mực nước quá thấp làm tôm bị chết do sốc môi trường.
KS. Trần Thị Tường Vi
Tổ Kinh tế - Kỹ thuật xã Vĩnh Hòa Phú, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây