Kiên Hải - 40 năm hình thành và phát triển

Thứ năm - 06/04/2023 16:21
Cách đây vừa tròn 40 năm, thực hiện quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngày 12/4/1983, đoàn cán bộ của huyện ra Hòn Tre làm lễ khởi công xây dựng huyện, xem đây là ngày chính thức thành lập huyện Kiên Hải.
Một góc xã An Sơn, huyện Kiên Hải. Ảnh: Hiếu Trung
Một góc xã An Sơn, huyện Kiên Hải. Ảnh: Hiếu Trung
Kiên Hải được thành lập trên cơ sở xã Lại Sơn của huyện An Biên và 3 ấp Hòn Nghệ, Hòn Heo, Hòn Tre của huyện Hà Tiên, để hình thành 6 đơn vị hành chính cấp xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn, Sơn Hải, Hòn Nghệ và Tiên Hải với 73 hòn đảo lớn nhỏ và có diện tích tự nhiên là 3.472 ha. Phía Đông giáp với Vịnh Rạch Giá và huyện Châu Thành; phía Tây giáp với Phú Quốc; phía Nam giáp với An Biên, An Minh; phía Bắc giáp với Hòn Đất, Hà Tiên, Kiên Lương và biên giới Campuchia. Trung tâm huyện đóng tại Hòn Tre, cách thành phố Rạch Giá 30 km. Toàn huyện lúc đầu có 1.527 hộ, với 8.629 nhân khẩu.
Sau 3 lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay huyện Kiên Hải còn 4 xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du, với 23 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích tự nhiên 24,61 km2, có 5.150 hộ và 17.795 nhân khẩu.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kiên Hải chung sức, chung lòng, quyết tâm xây dựng quê hương từ đôi bàn tay trắng. Nhìn lại chặng đường 40 năm hình thành và phát triển, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Kiên Hải đều thấy tự hào bởi có sự góp sức của mình. Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, khai thác, nuôi trồng thủy sản thiếu bền vững, thương mại, dịch vụ hầu như không có gì. Đến nay, Kiên Hải phát triển khá ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 14%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,5 triệu đồng, tăng hơn 20 lần so với lúc mới thành lập.
 Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, từng bước tăng tỷ trọng các ngành thương mại – dịch vụ - du lịch, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đến nay toàn huyện có 1.076 tàu đánh bắt thủy sản, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng năm 2022 đạt trên 60.000 tấn, tăng hơn 7 lần so với năm 1983. Đến nay, toàn huyện có trên 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh và có 14 sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương (OCOP) đạt tiêu chuẩn 3 sao và 11 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh. Dịch vụ du lịch có bước tăng trưởng nhanh, hàng ngày có tàu đi từ Rạch Giá ra Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn, Nam Du, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch qua các đảo này, nhất là Hòn Sơn, Nam Du, An Sơn, bình quân hàng năm trên 430.000 lượt khách, góp phần thu ngân sách cho huyện hàng năm đều tăng, năm 2022 đạt trên 21 tỷ đồng.
Kết cấu hạ tầng phát triển khá nhanh, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhiều đảo có lộ bê-tông quanh đảo, có cảng cá, bến tàu, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, hồ nước ngọt; đã kéo điện lưới ra 2 xã Hòn Tre, Lại Sơn; An Sơn, Nam Du sử dụng điện bằng máy phát điện có công suất lớn.
Văn hóa – xã hội từng bước được chăm lo, phát triển. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng và nâng cấp, huyện có trường trung học phổ thông, có bệnh viện huyện và trạm y tế các xã; 100% dân trên đảo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao được quan tâm và có nhiều tiến bộ; 3/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác chăm lo gia đình chính sách, an sinh xã hội luôn được quan tâm thực hiện tốt. Hàng năm, chi trả cho các đối tượng chính sách trên 1,2 tỷ đồng, đầu tư xây dựng và sửa chữa 173 căn nhà tình nghĩa, trong đó xây mới là 58 căn.
Quốc phòng và an ninh luôn được quan tâm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững; công tác tuyển quân hàng năm đều đạt chỉ tiêu. Các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào tự quản đạt kết quả tốt; mô hình “Tổ nhân dân tự quản không tội phạm và tệ nạn xã hội” đã và đang phát huy tác dụng.
Hệ thống chính trị từ huyện đến xã luôn được kiện toàn. Thời điểm mới thành lập, toàn huyện chỉ có 39 đảng viên, đến nay có 29 tổ chức cơ sở đảng với gần 1.000 đảng viên. Đội ngũ cán bộ từng bước trưởng thành, đạt tiêu chuẩn theo quy định...
Tuy còn những hạn chế, khó khăn nhất định, nhưng sau 40 năm hình thành và phát triển, Kiên Hải thật sự thay da đổi thịt. Đường điện vượt sóng ra đảo thắp thêm ánh sáng niềm tin cho vùng đất đảo; khách du lịch khắp nơi đổ về, nhất là Lại Sơn, An Sơn, Nam Du. Cá nuôi lồng bè được quan tâm chỉ đạo và hình thành quanh các đảo. Nước mắm Lại Sơn càng đậm đà hương vị, mời gọi khách phương xa.
Thiện Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây