Một số biện pháp phòng bệnh đốm trắng ở tôm nuôi

Thứ ba - 07/11/2023 09:19
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng tôm nuôi bị bệnh đốm trắng, do virus WSD gây ra. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và khó lường hơn nữa. Vì vậy, người nuôi cần biết thông tin đối với loại bệnh này chủ động phòng tránh hiệu quả.
Bệnh đốm trắng trên tôm nuôi. Ảnh: TL
Bệnh đốm trắng trên tôm nuôi. Ảnh: TL
 
1. Triệu chứng lâm sàng
Tôm bị bệnh đốm trắng do virus thường có biểu hiện một số triệu chứng như: Dạt vào bờ, giảm ăn, quan sát trên thân tôm thấy xuất hiện những đốm trắng tròn nằm dưới lớp vỏ kitin ở giáp đầu ngực hoặc toàn thân; thường liên quan đến hiện tượng đỏ thân (đỏ thân – đốm trắng). Tôm chết hàng loạt và có thể chết 100% chỉ trong 3 đến 5 ngày sau khi có dấu hiệu bệnh.
2. Điều trị bệnh
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị đối với loại bệnh này. Vì vậy, người nuôi không nên tin dùng các sản phẩm có công dụng trị bệnh đốm trắng của một số nhà sản xuất thuốc thủy sản trên thị trường.
Chỉ phòng bệnh là chính bằng cách chọn con giống sạch bệnh (qua xét nghiệm bằng phương pháp PCR hoặc mô học); sát trùng kỹ nguồn nước; ngăn chặn, tiêu diệt các vật chủ trung gian truyền bệnh (cua, còng, rẹm, tép,…); kiểm soát môi trường nước và quản lý tốt sức khỏe tôm nuôi (phương pháp phòng bệnh xem ở phần dưới).
3. Biện pháp phòng bệnh
- Bệnh đốm trắng do virus chủ yếu lây truyền theo chiều ngang thông qua vật chủ trung gian (nhất là giáp xác cua, rẹm, ba khía…) có mang mầm bệnh từ môi trường bên ngoài ao hoặc ngay trong ao nuôi tôm. Vì vậy, ngay từ khi chuẩn bị ao cần tiêu diệt hết các loài này bằng vôi hoặc hóa chất. Vét sạch bùn đáy, rải vôi, phơi khô đáy ao (khoảng 5 - 7 ngày tùy theo vùng đất và điều kiện thực tế). Lấp hết các hang, lỗ ở bờ ao để cho cua, còng không còn nơi trú ẩn. Khi cấp nước vào ao nuôi, cần lọc qua túi lọc nhiều lớp, để ngăn trứng và ấu trùng của các loài cá, giáp xác vào ao nuôi trở thành vật truyền bệnh. Sau đó, cần phải tiến hành diệt tạp trong nước trước khi thả nuôi để diệt một số loài cá gây hại cho tôm giống.
- Bệnh đốm trắng thường xuất hiện vào mùa xuân hoặc đầu hè, nhất là khi nhiệt độ trong ngày biến động lớn (nhiệt độ biến động lớn giữa ngày - đêm hay sáng - chiều…). Trong quá trình chăm sóc, hạn chế việc gây stress cho tôm, vì khi tôm bị stress sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh này.
- Quản lý tốt các yếu tố môi trường (nhất là pH, nhiệt độ, khí độc,…). Sử dụng chế phẩm sinh học để duy trì môi trường ao nuôi. Đồng thời, tăng cường dinh dưỡng cho tôm (Vitamin C, D; Betaglucan; axitamin thiết yếu,…), đặc biệt là vào những thời điểm giao mùa hoặc thời tiết diễn biến bất thường. Không nên sử dụng thức ăn tươi sống cho tôm ăn vì đây là một trong những nguy cơ lây nhiễm bệnh tiềm tàng.
- Đảm bảo an toàn sinh học trong suốt quá trình nuôi như: vệ sinh dụng cụ sạch sẽ; sử dụng rào lưới ngăn chim, động vật khác ra vào khu nuôi và hạn chế người đi từ vùng này đến vùng kia hoặc từ ao nuôi này sang ao nuôi khác.
- Trong trường hợp ao tôm bị đốm trắng, cần thực hiện các biện pháp cách ly. Phải báo ngay cho cán bộ phụ trách thú y Tổ Kinh tế - Kỹ thuật xã, phường, thị trấn hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thành phố để lấy mẫu phân tích xác định chính xác và tư vấn, hướng dẫn biện pháp xử lý triệt để. Nếu tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm thì thu hoạch sớm để tránh thiệt hại, vì bệnh có thể gây cho tôm chết rất nhanh. Đối với tôm còn nhỏ và phát hiện bệnh mới xảy ra, chỉ vài con dạt bờ thì có thể dùng Formol (30-40 ml/m3) hoặc Virkon (0,5-1,5 g/m3) để tiêu diệt những con tôm đã nhiễm bệnh và virus tự do trong nước, tránh trường hợp những con tôm khác ăn thịt sẽ khiến bệnh lây lan rất nhanh (Lưu ý: Tôm chết phải đem đi xa khu vực nuôi, chôn cùng với vôi bột, không vứt tôm bị đốm trắng ra môi trường bên ngoài). Nếu tôm còn nhỏ, phát hiện trễ, bị bệnh đã nặng, cần dùng các chất thuốc sát trùng liều cao (Formol 50-70ppm hoặc Chlorine 50-100ppm,…) tiêu diệt toàn bộ trước khi thải bỏ ra ngoài.
KS. Trần Thị Tường Vi
Tổ Kinh tế - Kỹ thuật xã Vĩnh Hòa Phú, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây