Đốt đồng là hình ảnh khá quen thuộc từ xưa đến nay ở nhiều nơi, khi thu hoạch mỗi vụ lúa, nhất là vụ Đông Xuân hàng năm. Theo quan niệm của bà con nông dân, việc đốt đồng sẽ có nhiều cái lợi, đó là không tốn công và chi phí xử lý, cày đất được dễ dàng hơn, diệt được sâu bệnh, cỏ dại và tạo thêm dinh dưỡng cho đất.
Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ sẽ tạo ra một lượng lớn các chất độc hại có hại cho sức khỏe con người. Lửa từ các đống rơm, rạ còn có thể gây cháy ruộng, cháy nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến mạng lưới điện... Việc đốt rơm rạ tại những ruộng cập lộ giao thông làm cho người, các phương tiện lưu thông đi qua bị hơi nóng hừng hực làm rát mặt, cay mắt, bụi bám vào người, không chỉ gây khó chịu mà còn làm hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm cho đất ruộng bị chai cứng, mất chất dinh dưỡng của đất, vì vậy, từ ngày 25/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 41 quy định: Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính...
Do đó thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân tác hại của việc đốt rơm rạ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; đồng thời sử dụng phương pháp xử lý rơm rạ hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường.
Thanh Như