1. Đối với lúa đã gieo sạ
- Nếu tỷ lệ cây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá <5%: Nên nhổ bỏ cây bệnh, tránh tạo cơ hội cho rầy nâu tiếp xúc cây lúa mang mầm bệnh lây lan ra xung quanh.
- Ở giai đoạn lúa dưới 30 ngày tuổi:
+ Nếu tỉ lệ nhiễm bệnh <30% thì để lại chăm sóc. Tuy nhiên, những ruộng này cần quản lý chặt chẽ rầy nâu, không để bộc phát làm tăng nguy cơ lây lan nguồn bệnh.
+ Nếu tỉ lệ bệnh >30% thì cần tiêu hủy bằng cách: Vận động nông dân tự giác phun thuốc diệt trừ rầy nâu và cày vùi tiêu hủy toàn bộ ruộng. Sau khi tiêu hủy ruộng lúa bị bệnh, nông dân chỉ được gieo sạ lại theo lịch thời vụ do cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương quy định.
- Kỹ thuật chăm sóc ruộng lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn dưới mức tiêu hủy (tỉ lệ nhiễm bệnh <30%):
+ Nếu trên ruộng lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá điều tra phát hiện có rầy nâu, cần hướng dẫn nông dân phun thuốc đặc trị khi rầy nâu nở rộ tập trung tuổi 2-3, với mật số trên 3 con/dảnh lúa để hạn chế lây lan nguồn vi-rút. Nếu trên ruộng lúa bị nhiễm bệnh điều tra không phát hiện có rầy nâu, thì hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc cho cây lúa khỏe.
+ Nếu cây lúa suy yếu, cần tăng cường lượng phân bón cho lúa, liều lượng bón tăng thêm 5% lượng phân đạm, 10% lượng phân lân và 15% lượng phân kali để cung cấp dưỡng chất giúp cây lúa sinh trưởng tốt và nuôi các dảnh mới đẻ trở thành dảnh hữu hiệu. Hoặc có thể kết hợp phun bổ sung dinh dưỡng qua lá có chứa trung, vi lượng, Brassinosteroid để tăng cường khả năng chống chịu.
+ Cần cung cấp lượng nước đủ để cây lúa phát triển tốt.
2. Đối với ruộng chưa gieo sạ
- Vệ sinh đồng ruộng: Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân xong cần cày lật gốc rạ để tránh lúa chét, lúa rài và diệt các loài ký chủ phụ của rầy nâu như cỏ gấu, cỏ lồng vực nhằm cắt đứt nguồn thức ăn của rầy nâu.
- Tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ hướng dẫn lịch gieo sạ “đồng loạt, tập trung né rầy” của tỉnh để chủ động phòng rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Cách ly giữa vụ trước và vụ sau ít nhất 3 tuần nhằm hạn chế rầy nâu từ vụ trước bay sang và ngộ độc hữu cơ, tạo cây lúa khỏe từ giai đoạn mạ.
- Giống lúa: sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc tương đương, các giống lúa kháng rầy như OM18, Đài Thơm 8, ST24, ST25, OM6967... Cần lưu ý giống lúa IR50404, OM5451 trong thời gian qua đã bị nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
- Mật độ sạ: khuyến cáo sạ thưa với lượng giống từ 80-100 kg/ha. Bón phân đạm, lân và kali cân đối, không nên bón dư đạm vì sẽ làm cây lúa yếu, giảm sức đề kháng và dễ thu hút rầy.
Nguyễn Trường Sơn
Phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh