Hiện hồ tiêu đang được xem là cây trồng chủ lực của xã Dương Hòa; được trồng với diện tích 57,7 ha tương đương 47.000 gốc tiêu, tập trung nhiều nhất ở khu vực ấp Bãi Ớt. Từ cây trồng này, hộ dân trồng tiêu ước tính mỗi năm trung bình đạt trên 80 triệu đồng/ha, mang lại kinh tế khấm khá cho bà con vùng đất núi. Tuy nhiên hơn 4 năm gần đây, bà con trồng tiêu gặp không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá cả rớt trầm trọng. Đồng chí Trương Mỹ Thuận, Phó Trưởng ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa cho biết: “Giá cả thu mua tiêu rất thấp. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước và kỹ thuật canh tác truyền thống cũng đã dẫn đến sản lượng thu hoạch giảm sụt. Phân bón vật tư tăng giá, chi phí thuê mướn nhân công. Bà con trồng tiêu không mặn mà gắn bó với cây trồng truyền thống, diện tích trồng tiêu thu hẹp. Trên địa bàn hiện tại chỉ còn khoảng 9.500 bụi tiêu”.
Trước khó khăn trên, việc thành lập hợp tác xã (HTX) trồng hồ tiêu, ứng dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, liên kết, xây dựng chỉ dẫn địa lý để quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ cây tiêu là giải pháp đang được địa phương thực hiện trên các diện tích trồng tiêu còn lại.
Đồng chí Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa cho biết: “Để có thể duy trì, vực dậy phát triển cây tiêu, Hội Nông dân đã tham mưu thành lập HTX trồng tiêu Bãi Ớt. Hiện sản phẩm tiêu từ HTX đã được các cấp, các ngành của huyện công nhận là sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây là sản phẩm mang tính chất đặc trưng, sau này hướng đến sản phẩm du lịch địa phương. Còn với diện tích đất trồng thu hẹp, kinh tế của bà con cũng được mở ra hướng phát triển mới khi áp dụng thực hiện việc chuyển đổi giống cây trồng, nổi bật là trồng sầu riêng”.
Sở hữu gần 2 ha trồng hồ tiêu không hiệu quả, chị Phạm Thị Hoa ngụ ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Chị Hoa chia sẻ: “Ban đầu mình chỉ trồng thử vài cây thôi rồi sau thấy thích hợp mới trồng thêm. Cùng với hướng dẫn của địa phương, tôi đã sử dụng thuốc hóa học để không nhiễm bệnh lúc cây còn bé mới trồng, đến khi cây lớn rồi thì mình không sử dụng vì hướng trồng cây hữu cơ, sử dụng phân chuồng, phân dơi, phân yến và phân bò…”.
Hiện tại sầu riêng vườn nhà chị Hoa đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, mỗi trái với trọng lượng đạt từ 3-3,5kg, giá bán từ 100.000kg - 120.000 đ/kg. Theo chị Hoa cây sầu riêng phù hợp với vùng đất núi nơi đây, tuy nhiên ban đầu còn lúng túng về kỹ thuật chăm sóc, tỷ lệ đậu trái nên năng suất đạt chưa cao.
Đồng chí Tạ Quang Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Xã Dương Hòa cho biết, Ủy ban nhân dân xã đã làm việc với Ban Kinh tế tập thể chuyển đổi chỗ cây tiêu sản xuất không hiệu quả để trồng giống sầu riêng từ Campuchia về và một số cây có hiệu quả khác. Thời điểm hiện tại, địa phương có khoảng 30-34 hộ chuyển đổi cây trồng này có hiệu quả cho trái. Tuy nhiên hiệu quả năng suất còn thấp. Sắp tới Ủy ban nhân dân xã sẽ phối hợp với Hội Nông dân, nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng mở các lớp tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân trồng có hiệu quả hơn và đặc biệt là canh tác hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch cho người dân tiêu dùng”.
Thực hiện chuyển đổi giống cây trồng đang trở thành yêu cầu cấp thiết trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp đa dạng hóa sản phẩm, phát huy hiệu quả diện tích đất trồng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này đang được xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương vận dụng phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, để các mô hình chuyển đổi có hiệu quả bền vững, rất cần những giải pháp về kỹ thuật canh tác và nhất là sự hợp tác, kết nối tạo thị trường tiêu thụ cho bà con nông dân.
Thúy Tài