Nói đến Kiên Giang, người ta hay liên tưởng đến những địa danh đã đi vào lòng người; có rừng UMinh lịch sử, đã một thời là căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; có Hà Tiên với 10 cảnh đẹp của non nước hữu tình; có Phú Quốc như hòn đảo ngọc giữa biển khơi; có Rạch Giá với khu lấn biển xa khơi, nơi đây gắn liền với chiến công của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với “Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”. Chính mảnh đất và con người Kiên Giang luôn là đề tài và nguồn cảm xúc cho nhiều nhà thơ, nhà văn, các soạn giả, tác giả, nhạc sĩ sáng tác và để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị.
Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mảnh đất Rạch Giá - Kiên Giang đã được các tác giả, nhạc sĩ tìm đến và để lại nhiều tác phẩm cho đời. Chỉ tính riêng mảng ca cổ và ca nhạc cũng đã có nhiều tác phẩm hay, từng được các đoàn văn công các đội tuyên truyền cách mạng sử dụng, hoặc được ca hát trong các buổi sinh hoạt. Ở lĩnh vực ca cổ có “Cô du kích Kiên Giang” của Điền Anh, “Chiến thắng Ba Hòn” của Phan Thanh Nhàn; “Sóng hận Ba Tàu” của Hoàng Nghệ; “Sông nước quê hương” của Anh Động… Ca nhạc thì có “Em là du kích U Minh” của Minh Viễn; “Bài ca phá lộ” của Thanh Trần; “Em hát bài ca trên đường tiếp vận”của Lâm Nghĩa Văn...
Sau ngày quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, hàng loạt bài ca cổ, ca khúc lần lượt ra đời. Đầu tiên phải kể đến bài ca vọng cổ “Dệt chặng đường xuân” của Anh Động, ông viết bài này ngay ngày đầu giải phóng, sau đó được phát trên Đài Phát thanh giải phóng và mọi người đón nhận rất háo hức.Rồi các bài ca cổ khác như: “Bến lưới Kiên Giang” của Lương Thiện; “Những hố bom đìa” của Ngô Hồng Khanh; “Gió biển Hà Tiên” của Viễn Châu, “Mùa xuân Kiên Giang” của Thanh Hiền, “Đò chiều Tô Châu”, “Chiều Hà Tiên” của Trọng Nguyễn, “Kiên Giang” của Minh Thùy... Ở lĩnh vực ca nhạc có “Gương mặt Kiên Giang” của Nguyễn Văn Tý, “Kiên Giang mình đẹp lắm” của Lư Nhất Vũ và Lê Giang, “Đẹp quá Kiên Giang” của Thanh Sơn, “Hương Tràm” của Vũ Hoàng, “Đất biển Kiên Giang”của Lý Dũng Liêm...
Có một thời, nhất là những năm 80 của thế kỷ XX, ngành văn hóa thông tin rất chú trọng phong trào sáng tác tự biên, tự diễn. Mỗi mùa hội diễn văn nghệ quần chúng, mỗi đơn vị dự thi đều có những sáng tác mới và cây viết mới xuất hiện. Ngoài những nhạc sĩ, tác giả của tỉnh như: Đỗ Chí Dũng, Lâm Quang Phong, Bùi Đức Thịnh, Thái Bình Đẳng, Lý Dũng Liêm, Anh Động, Võ Vạn Trăm… phong trào văn nghệ quần chúng lần lượt xuất hiện nhiều cây viết mới. Mảng ca cổ có Phan Anh, Y Tùng,Nam Nhi, Thiện Cẩn, Lê Sul, Dương Công Khanh, Đình Đức, Quốc Long… Lĩnh vực âm nhạc có Phạm Văn Định, Hữu Di, Hữu Vệ, Minh Đức, Lâm Thành Liêm, Thanh Ngọc, Trần Văn Năm...
Hơn một thập kỷ nay, tuy phong trào văn nghệ quần chúng không được tiến hành thường xuyên, các tác giả, nhạc sĩ vẫn coi Kiên Giang là đề tài muôn thuở để sáng tác. Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang đã cho ra đời hàng chục đầu sách in các sáng tác của lực lượng văn nghệ sĩ.
Riêng trong năm 2015, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang đã có 3 cuộc thi sáng tác lớn, đó là:Cuộc thi sáng tác ca cổ và ca khúc nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, có hơn 300 tác phẩm dự thi trong đó có hơn 200 bài ca vọng cổ và gần 100 ca khúc; Cuộc thi sáng tác câu chuyện truyền hình và chập cải lương, có 103 tác phẩm dự thi; phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài “Người chiến sĩ Biên phòng và Biên giới hải đảo” thu hút 97 tác giả khắp cả nước gửi 162 tác phẩm dự thi. Những năm gần đây, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác ca cổ và ca nhạc, qua đó tiếp tục xuất hiện nhiều cây viết mới đặc biệt là 2 cây viết ca cổ khá tốt đó là Trần Ngọc Hòa (Kiên Lương) và Song Nguyễn (Giồng Riềng).
Qua các cuộc thi sáng tác thấy rằng, mỗi một người một phong cách viết, mỗi tác giả một cách nhìn,góp phần tái hiện lại cuộc đấu tranh kiên cường anh dũng nhưng cũng nhiều hy sinh mất mát để đổi lấy độc lập tự do cho dân tộc nói chung và Kiên Giang nói riêng. Nhiều tác phẩm viết về rừng U Minh lịch sử, về nhà tù Phú Quốc, nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng nhưng không giam nổi ý chí đấu tranh. Nhiều tác phẩm ca ngợi sự thay đổi của quê hương Kiên Giang trong quá trình đổi mới và phát triển.
Thời gian tới, các ngành chức năng cần phối hợp sử dụng tốt các tác phẩm, tạo thêm động lực và là chất xúc tác rất lớn để các văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tác về mảnh đất và con người Kiên Giang trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Thiện Cẩn
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh